KINH NGHIỆM QUẢN TRỊ Thứ 2, 25/09/2017 9:36 GMT+7

Bộ Công thương sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh

Vì lợi ích chung

Thông tin Bộ Công thương sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh đang nhận được phản hồi tích cực từ phía chuyên gia và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, liệu việc cắt giảm này có thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và làm gì để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh khả thi?

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ĐẬU ANH TUẤN:Tín hiệu tích cực

Theo Quyết định số 3610a/QĐ-BCT do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ban hành ngày 20.9 về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương giai đoạn 2017 - 2018, có 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm, chiếm 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng. Như vậy, sau khi cắt giảm, Bộ Công thương còn 541 điều kiện kinh doanh. 
Ngày 22.9, trong buổi làm việc với Bộ Công thương về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, “đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ trong thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh”.

Việc Bộ Công thương sẽ cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh là tín hiệu tích cực, tạo niềm tin cho quá trình cải cách môi trường kinh doanh sắp tới đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nói là tín hiệu tích cực bởi những lý do sau: Thứ nhất, đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này rất cụ thể, không còn tình trạng chung chung như nhiều đề xuất trước đó. Thứ hai, Bộ công khai các điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, qua đó huy động được sự tham gia giám sát của toàn xã hội. Thứ ba, mặc dù có những điều kiện kinh doanh được cắt bỏ không phải là quan trọng nhất nhưng rõ ràng, đây là đề xuất tương đối mạnh với số lượng rất lớn. Trong đó, nhiều đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ cơ chế xin cho, nhìn ở góc độ nào đó chứng tỏ Bộ đã vượt qua lợi ích cục bộ để vì lợi ích chung. Thứ tư, với việc Bộ Công thương đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh lần này sẽ đặt ra câu hỏi cho các bộ, ngành khác, đó là: Tại sao Bộ Công thương làm được mà các bộ, ngành khác lại không làm? Tức là sẽ tạo ra xu hướng cắt giảm điều kiện kinh doanh trong thời gian tới.

Với 675 điều kiện kinh doanh sẽ được cắt bỏ, Bộ Công thương nên định kỳ có đánh giá tổng kết, chẳng hạn 6 tháng một lần, để xem làm được những gì, cắt bỏ đến đâu? Đồng thời, cần tạo cơ chế cho sự giám sát của khối doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức và giới truyền thông trong việc thực hiện kế hoạch cắt giảm này. Làm được như thế mới mong việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh thực sự khả thi.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam TRẦN HỮU HUỲNH: Cần sự đồng hành của hiệp hội, doanh nghiệp

Theo tôi, việc Bộ Công thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh lần này không phải là quyết định nhất thời mà là tất yếu của cả một quá trình cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia dưới sự hỗ trợ của truyền thông lên tiếng đấu tranh, đề nghị cắt giảm, bãi bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở cho doanh nghiệp. Đồng thời, điều này cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là quyết định kịp thời, hợp lòng dân, cho thấy quyết tâm cao của người đứng đầu một bộ nếu biết vì dân sẽ biết vượt qua lợi ích cục bộ.

Sau quyết định này của Bộ trưởng Bộ Công thương, có nhiều việc cần phải làm. Thứ nhất,cần rà soát lại các nghị định để bãi bỏ các điều kiện theo đề xuất của Bộ Công thương bởi điều kiện kinh doanh nằm trong nghị định. Để làm được điều này rất cần sự ủng hộ của Chính phủ. Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng cần phối hợp với Bộ Công thương để cùng cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thay vì giao trắng cho bộ, nhằm mục đích vừa đơn giản hóa thủ tục vừa bảo đảm an toàn môi trường kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam NGUYỄN TIẾN VỴ: Nỗ lực rất lớn

Theo Quyết định của Bộ Công thương, trong số 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm lần này, lĩnh vực kinh doanh rượu có 31 điều kiện được cắt giảm so với 43 điều kiện trước đó. Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh nói chung và điều kiện kinh doanh rượu nói riêng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Bộ Công thương, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính, các Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với các quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu nói riêng. Việc cắt giảm các điều kiện sẽ giúp doanh nghiệp đỡ tốn thời gian, công sức và chi phí để thực hiện các thủ tục hành chính, từ đó có thể tập trung vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương LÊ XUÂN HIỀN:Vui, nhưng…

Việc Bộ Công thương cắt giảm tới 55,5% điều kiện kinh doanh sẽ đặt ra vấn đề: Chỉ với một bộ có quyết tâm cao độ, đã cắt giảm được 55,5% điều kiện kinh doanh thì nếu các bộ, ngành khác cũng làm như thế, chắc chắn số lượng điều kiện kinh doanh sẽ còn giảm hơn nữa.

Tuy nhiên, đây mới là kế hoạch. Trong khi đó, điều kiện kinh doanh còn nằm trong các nghị định, thậm chí cả trong luật. Liệu một mình Bộ Công thương làm thì có hiệu quả không? Có những điều kiện kinh doanh liên quan đến bộ, ngành khác còn gây bất lợi cho doanh nghiệp mà không được bãi bỏ thì xử lý thế nào? Do đó, nếu chỉ riêng Bộ Công thương làm sẽ khó đem lại hiệu quả thực chất mà cần sự vào cuộc tổng thể của các bộ, ngành khác.

 Bên cạnh đó, trên thực tế, mặc dù có những quy định không phải là điều kiện kinh doanh nhưng được che lấp bởi các thông báo chấp thuận, công văn đủ điều kiện, tức là các hình thức “trá hình” khác. Nếu không cẩn thận, việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh này có khi lại trở thành giấy tờ con của một thủ tục khác. Đây cũng là điểm cần lưu ý trong việc triển khai thực hiện kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh lần này. Theo tôi, Bộ Công thương cần rà soát xem điều kiện kinh doanh nằm ở cấp nào thì người đứng đầu cấp đó được quyền cắt ngay. Trong trường hợp điều kiện kinh doanh đó không thuộc thẩm quyền thì người đứng đầu cấp đó cần kiến nghị với bộ, ngành, đơn vị khác có liên quan và phải có giải pháp thuyết phục đi kèm.

Vũ Thủy ghi - http://daibieunhandan.vn/
 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành