Trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nước ta bất kể thuộc thành phần kinh tế nào hiện đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển, góp phần nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, muốn các doanh nghiệp hoạt động đúng hướng, có hiệu quả cao lại rất cần đến công tác quản lý nhà nước trong đó có việc hỗ trợ và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ theo lộ trình cải cách hành chính, mối quan hệ giữa các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đối với luật pháp đang trở nên ngày càng cần thiết, nhất là nước ta mới gia nhập WTO, tuân thủ các lộ trình cắt giảm thuế, minh bạch tài chính doanh nghiệp và giữ vững các cam kết đối với các định chế tài chính thế giới về quyền và nghĩa vụ của các loại hình doanh nghiệp khi tham gia hội nhập quốc tế. Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 đã xóa bỏ mọi rào cản ngăn cách giữa các thành phần kinh tế trong đó có sự ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước để từ đây mọi doanh nghiệp hoạt động đều bình đẳng và chỉ tôn trọng luật pháp. Theo lộ trình, từ năm 2005 đến nay, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cho ra đời nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp có định hướng kinh doanh phù hợp, bảo đảm tính thống nhất và tuân thủ luật pháp. Ngày 28/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đây là văn bản pháp lý quan trọng mang tính hướng dẫn, định hướng tốt cho các doanh nghiệp hoạt động theo đúng các quy định của luật pháp, tránh những rủi ro đáng tiếc khi tham gia hoạt động kinh tế. Tuy vậy, dưới góc độ nhìn nhận về công tác quản lý nhà nước, hiện các quy phạm luật pháp vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa thật xứng với sự đòi hỏi của các nhà quản lý doanh nghiệp và định chế quốc tế khi doanh nghiệp nước ta tham gia vào "sân chơi" của nền kinh tế thế giới. Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh, song mặc nhiên những đáp ứng về mặt chính sách dường như tỏ ra còn chậm và chưa đồng bộ đối với doanh nghiệp khiến các nhà đầu tư mất cơ hội kinh doanh, khó hiểu trong các chính sách quản lý kinh tế và luật pháp cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
|
Theo quy định hiện hành thì các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Luật cũng quy định tổ chức, cá nhân sau đây không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp khác; người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự. Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản. Tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, luật cũng quy định, các tổ chức, cá nhân sau đây không được mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan; các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Theo quy định hiện hành thì người thành lập doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Cơ quan đăng ký khẳng định xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ khác không quy định tại Luật này. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gắn với dự án đầu tư cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Hồ sơ đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định; bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định; chứng chỉ hành nghề của giám đốc và cá nhân khác đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy vậy, trên thực tế, mặc dù có thể nhận thấy trong túi đựng hồ sơ của nhà doanh nghiệp luôn mang theo đủ các văn bản, giấy tờ có liên quan để việc thành lập doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình không bị sai, bị thiếu, nhưng nếu không có luật sư tư vấn, không có cán bộ kế hoạch đầu tư giải thích thì một thương gia rất khó cho ra đời một pháp nhân do mình làm chủ theo quy định của luật pháp. Rõ ràng ở đây đang có một sự vướng mắc rất lớn giữa sự hiểu biết của nhà doanh nghiệp với tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp.
Khi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ra đời, nhiều băn khoăn, thắc mắc của giới kinh doanh đã được giải đáp nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động. Hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện bằng các hình thức phù hợp. Các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng, ngành, lĩnh vực và nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ và hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên nguyên tắc có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp. Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như trách nhiệm của các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định. Có ít nhất hai trong số nhiều hình thức khác nhau mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp và xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các bộ tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của bộ, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, duy trình, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử được luật pháp quy định. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì doanh nghiệp có quyền đề nghị bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh cập nhật văn bản đó. Các bộ biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức phổ biến tài liệu giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật do doanh nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó việc bồi dưỡng và phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp cũng được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp đối với các cơ quan hữu quan còn nhiều hạn chế. Do vậy, cần quy định và hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp các quyền lợi có liên quan của mình thông qua hoạt động này. Doanh nghiệp phải có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp việc giải đáp pháp luật của cơ quan chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan có liên quan giải đáp. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức như giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức khác theo quy định của pháp luật cũng luôn được đặt ra và thực hiện thỏa đáng. Mục tiêu của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp. Đây chính là nhu cầu hết sức quan trọng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cao hơn nữa là đòi hỏi của chính nền kinh tế khi doanh nghiệp đóng vai trò xương sống, tạo thu nhập ổn định xã hội và thúc đẩy tiến trình hội nhập rộng lớn trong môi trường kinh doanh quốc tế, theo luật pháp thống nhất mà Việt Nam đang phấn đấu trở thành một thành viên đầy đủ của WTO. Các doanh nghiệp mong rằng, thời gian tới những băn khoăn, thắc mắc của họ sớm được giải đáp, để họ hoạt động năng động trong một sân chơi bình đẳng có sự bảo trợ an toàn về hành lang pháp lý./.
LUẬT GIA NGUYỄN HOÀNG VŨ
Hội Luật gia Việt Nam
Trương Thanh Sơn Công ty CP Việt Tiên Sơn Địa Ốc Sinh nhật: 03/11/1966
|
Nguyễn Xuân Thắng Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 10/11/1977
|
Nguyễn Trọng Tiến Cục thuế tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 20/11/1973
|
Phạm Đức Thắng Công ty cổ phần sản xuất Vita Sinh nhật: 27/11/1981
|
Nguyễn Thị Thoa Công ty TNHH TM và DV Quà tặng Thành Đông Sinh nhật: 05/11/1990
|
LÊ XUÂN THANH Teckcombank chi nhánh Hải Dương Sinh nhật: 02/11/1979
|
VŨ KHẮC KHƯƠNG Công ty TNHH Vĩnh Hà HD Sinh nhật: 03/11/1974
|