VĂN BẢN PHÁP LUẬT Thứ 2, 07/11/2016 0:09 GMT+7

CHÀO MỪNG NGÀY PHÁP LUẬT 9-11 VÀ NGÀY VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM 10-11

1. Điều 8, Luật Phổ biến giáo dục Pháp luật 2012 quy định về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau: " Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội".

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang khẳng định một vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa. Với vai trò là cầu nối giữa hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, là khâu đầu tiên của quy trình triển khai thực hiện pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Điều đáng mừng là đối với nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đối với nhiều cán bộ, công chức nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung, câu hỏim suy nghĩ "Điều này được pháp luật quy định như thế nào ?" đang dần trở thành câu cửa miệng, trở thành suy nghĩ thường trực trong đầu. Nhất định, thay cho việc nghĩ, nói và làm theo cảm tính, thói quen, đám đông .v.v. việc tuân theo pháp luật phải trở thành căn cứ cao nhất của mọi hành động. Việc xây dựng pháp luật, triển khai trong thực tế phải triệt để tuân thủ tiêu chí “công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Muốn đạt được tiêu chí vô cùng quan trọng này, phải nâng cao trình độ và ý thức pháp luật từ cả hai phía - những người được giao trách nhiệm thực thi luật pháp và đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật. Điều 2, Luật Phổ biến giáo dục Pháp luật nêu Quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân như sau: "1. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. 2. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật". Như vậy, công dân vừa có quyền được thông tin về pháp luật lại vừa có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật để từ đó chấp hành đúng Pháp luật.

Rất cần phải nhắc lại điều 15 Hiến pháp năm 2013 là: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Hiểu rõ về quyền và trách nhiệm này để nâng cao trách nhiệm công dân, góp phần giúp vơi đi điều còn đáng lo về tình trạng vi phạm pháp luật hiện nay.

2. Bắt đầu từ năm 2016, ngày 10/11 hàng năm được tôn vinh là ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định. Vậy là cùng với ngày 13/10 - Ngày doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam lại vinh dự có thêm một ngày nữa để được tôn vinh, ghi nhận, trên cơ sở cố gắng phấn đấu không biết mệt mỏi, kiên cường, bởi không chỉ kinh doanh có lợi nhuận mà còn kinh doanh có văn hóa, từng bước xây dựng, bồi đắp cho một khái niệm mới mẻ, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Mới mẻ vì từ trước tới nay, chúng ta quen nói, lớn thì như là văn hóa vùng miền, văn hóa làng xã hay văn hóa nông thôn, văn hóa thành thị, nhỏ hơn như là văn hóa ẩm thực … mà ít nói về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Mới mẻ vì doanh nghiệp Việt Nam từ 5 đến 10 tuổi chiếm đến trên 80% tổng số doanh nghiệp. Thế nên, trừ các doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ những năm trước đổi mới (1986), cơ bản đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam mà có tuổi đời xấp xỉ 20 năm trở nên mà vẫn tồn tại, phát triển đến bây giờ thì đã thuộc vào hàng “cao niên”!.,

Tuổi đời doanh nhân Việt Nam cũng thuộc loại trẻ hàng đầu thế giới, dưới 50 tuổi chiếm đến trên 60% và con số này ngày càng tăng lên bởi tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên đang lên cao hơn bao giờ hết.

Nếu ví doanh nghiệp như một con tàu thì doanh nhân đóng vai trò như một thuyền trưởng, là người góp phần chính tạo nên văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân có trách nhiệm xây dựng nên và đưa văn hóa doanh nghiệp vào được trái tim và khối óc nhân viên.

Văn hóa doanh nghiệp có vô vàn hình thức biểu hiện, nhưng văn hóa doanh nghiệp không phải thực hiện trong ngày một ngày hai, nó có thể là một chặng đường kéo dài hàng thập kỷ và lâu hơn. Khi đã hình thành và khẳng định được sức sống, văn hóa doanh nghiệp sẽ có cuộc sống dài hơn ngay cả cuộc sống của những người sáng lập ra doanh nghiệp, những người đã từng xây dựng nên văn hóa đó. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhất định không phải là một khẩu hiệu, nó phải được sự vun đắp của từng cá nhân trong doanh nghiệp, xây dựng văn hóa là chìa khóa để doanh nghiệp được trường tồn.

Từ cổ chí kim, các doanh nghiệp lớn mạnh, có tuổi thọ cao từ hàng chục đến hàng trăm năm, dù lớn đến tầm cỡ đa quốc gia hay nhỏ như chỉ một tiệm vàng, một quán ăn nhỏ đều có những triết lý kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và cũng do bởi có được cái gốc văn hóa này nên dù có gặp bao khó khăn, thậm chí là khủng hoảng, thay đổi của thời cuộc nhưng vẫn tồn tại và phát triển không ngừng. Cái gốc đó của văn hóa doanh nghiệp chính là xác định sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và phương thức hoạt động, quản lý của doanh nghiệp, có những điểm chung của từng thời kỳ, mang tính phổ quát nhưng nhất định phải có những nét riêng, không thay đổi, mang tính liên tục, xuyên suốt, nhất quán.

Điều may mắn là, Việt Nam là một dân tộc thấm đẫm tinh thần văn hóa với những đặc điểm rất đặc trưng như: Tình cảm gắn bó với nguồn cội, làng xóm, quê hương. Lòng yêu nước và ý thức sâu sắc về độc lập chủ quyền dân tộc. Ý thức liên kết cộng đồng và tinh thần đoàn kết dân tộc bền chặt. Tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vượt khó khăn, gian khổ và đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm. Lối sống trọng tình, nhân ái, hòa hiếu, bao dung. Lối ứng xử mềm dẻo, linh hoạt và khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tinh thần hiếu học và tôn sư trọng đạo. Doanh nhân Việt Nam đương nhiên được thừa hưởng nền văn hóa có giá trị cốt lõi này.

Tuy vậy, văn hóa của Người Việt có nhiều đặc điểm không thích ứng cao với hội nhập, với toàn cầu hóa, với kinh doanh, chưa bồi đắp, xây dựng cho những phẩm chất cần thiết nhất của doanh nhân. Đó là "trăm cái lý không bằng tý cái tình" của văn hóa trọng tình; tâm lý học để làm quan “trị nước chăn dân”, chứ không phải học để trở thành doanh nhân, đi làm doanh nghiệp; tư duy “xấu đều hơn tốt lỏi”, cái xấu, nhưng là xấu tập thể thì trở nên bình thường, không chịu chấp nhận sự xuất sắc, đột phá, hơn hẳn của các cá nhân, hay uốn theo dư luận, chịu sức ép của dư luận bảo thế là tốt hay xấu; tâm lý "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" cho thấy công việc khó khăn thì muốn đùn đẩy người khác, hưởng thụ thì muốn "xơi" trước tiên; ý nghĩ "phép vua thua lệ làng" của văn hóa làng xã còn thường trực trong đầu óc nhiều người, nên luật của Việt Nam vẫn được không ít người coi gọi là luật lệ chứ không phải là luật pháp, tệ hơn, thậm chí còn có người không chấp nhận những sự thật hiển nhiên đúng mà khăng khăng cho rằng, cái gì đúng ý mình thì là đúng, trái ý mình thì là sai, bất chấp việc pháp luật quy định về việc đó như thế nào ?????

Tâm lý sợ dư luận, tai tiếng "Trăm năm bia đá thì mòn/Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ", dư luận trở thành một thứ vũ khí có uy lực để ràng buộc cá nhân với cộng đồng, dù cũng có ý tốt nhưng rõ ràng hạn chế người ta mạo hiểm, đổi mới, sáng tạo, dấn thân ..; thói “cả thèm, chóng chán”, “đứng núi nọ, trông núi kia” thành ra khó đi được đến tận cùng vấn đề, khó có được chuyên môn thật cao, trả lời cho câu hỏi tại sao người Việt thông minh nhưng lại có rất ít những phát minh để đời, không có nhiều những đóng góp xứng đáng cho văn minh nhân loại.

Đó còn là thói rất xấu, khó bỏ của nhiều người Việt là thích xen vào chuyện riêng tư của người khác, thích “ngồi lê đôi mách”, “hóng hớt” rồi kể lại với sự thật 20%, 80% còn lại là “mắm muối” để "xào nấu" mà rất nhiều người không hiểu rằng việc đó có nguy cơ vi phạm pháp luật, khoản 1 điều 21 Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ ràng rằng: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Để hội nhập, để phát triển, người Việt nói chung, tầng lớp doanh nhân nói riêng rất cần phải phát huy bằng được những phẩm chất văn hóa tốt đẹp và cũng phải thay đổi bằng được những điều mà báo chí, các nhà văn hóa ... đã nhiều lần lên tiếng về “người Việt xấu xí”, khi có đến 52.900 kết quả là các bài viết về “người Việt xấu xí”, được đóng mở ngoặc kép khi tra cứu trên google.

Đương nhiên, dù có cố gắng đến mức nào, dù có hoàn thiện đến đâu thì pháp luật vẫn luôn luôn tồn tại những bất cập và khiếm khuyết ... vì thế việc xây dựng nên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân để góp phần giảm đi những khiếm khuyết, bất cập đó trở nên không thể thiếu. Chẳng hạn, điều 33, hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm thì người dân có rất nhiều quyền, nhưng một lẽ đương nhiên là, việc làm đó còn không được trái với đạo đức, lương tâm, thuần phong mỹ tục, sự trung thực, thiện chí ..., và đó chính một phần của văn hóa. Thực tế cho thấy, việc bồi đắp văn hóa doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết, trước những câu chuyện như “nước mắm arsen”. Thực tế cũng cho thấy, những chiêu trò không lành mạnh sớm muộn cũng sẽ bị “bóc mẽ” và những giá trị thực sự sẽ được trả lại.

Khi kinh doanh trở thành một nghề thực sự, được trọng vọng trong xã hội, thì những chuẩn mực đạo đức, văn hoá của doanh nhân hiện đại cần được xác lập một cách rành mạch, rõ ràng theo các tiêu chuẩn cụ thể. Đó là ý thức công dân và lòng yêu nước; các giá trị nhân bản; xác lập và xử lý tốt các mối quan hệ xã hội cũng như vai trò chính trị; phấn đấu kinh doanh tầm nhìn, có tri thức, có khả năng hợp tác và cạnh tranh quốc tế. Các doanh nhân còn phải có văn hóa chấp nhận mạo hiểm, văn hóa chấp nhận thất bại và cả văn hóa chịu đựng áp lực khi thành công, văn hóa xử lý khủng hoảng, văn hóa tuân thủ pháp luật, đã cam kết là đúng, là giữ và nhất định tuân thủ đúng cam kết theo nguyên tắc giữ bằng được chữ tín, văn hóa coi cạnh tranh lành mạnh chính là suối nguồn cảm hứng của sáng tạo vô biên.

3. Mong ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10/11 được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, bình đẳng, mang ý nghĩa đẹp đẽ và nhân văn, để 364 ngày còn lại của năm cũng ý nghĩa như vậy. Từ đây góp phần lan tỏa ra tất cả các ngày trong năm, góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với người dân hơn, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, xây dựng cho được văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam.

Khi đó, nhất định mỗi ngày trong 365 ngày của năm đều là ngày trọn vẹn của đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Lê Xuân Hiền

Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh - Trưởng phòng ĐKKD

 

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành