Hỏi đi, sẽ được trả lời! Tìm đi, anh sẽ thấy! Gõ đi, cửa sẽ mở !
Uy-li-am Sếch-xpia
Ngày 01/7/2015 sẽ là ngày đặc biệt được cộng đồng doanh nghiệp đón đợi. Đó là ngày mà Luật mang "biển số lộc phát" 68 là Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật mang biển số tiến 67 là Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành. Vậy hai luật này có gì mới, hay lắm không để được đón đợi đến vậy ? Đó chính là tư duy nhất quán, xuyên suốt được thể hiện là chọn “chọn bỏ” bỏ “chọn cho”.
Chọn bỏ, chọn cho là gì ?
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh giải thích nguyên tắc chọn - cho cũ là: “Nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật, chúng ta không thể ghi đủ hết tất cả những thứ cần cho. Bởi vì xã hội cần quá nhiều ngành nghề, thậm chí có nhiều ngành nghề phát sinh mới. Cho nên mỗi một lần danh mục không có trong luật, các nghị định thông tư quy định thì doanh nghiệp và người dân lại phải đi xin, xin các cơ quan quản lý nhà nước ...”. Với phương thức tiếp cận mới là chọn - bỏ, là những gì cấm thì ghi vào trong luật, anh không ghi, anh thiếu có nghĩa là tôi được quyền làm. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đây là phương pháp tiếp cận cực kỳ tiên tiến, minh bạch và cũng rất khó làm.
Chọn bỏ cái gì ?
Khoản 6 điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Ý 1, Cấm kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Ý 2, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.
Về ý cấm 1, đã rất rõ ràng, minh bạch, giống như biển đỏ trong giao thông. Điều 6 Luật Đầu tư 2014 ghi cứng 6 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, các doanh nghiệp chỉ cần nhớ "nằm lòng" 6 ngành nghề này, đấy chính là lĩnh vực chọn bỏ tuyệt đối, nhất định là không được bén mảng tới.
Tuy nhiên, khó khăn hơn rất nhiều là ý cấm 2, giống như biển vàng trong giao thông, vì vẫn được đi nhưng phải tuân thủ các điều kiện thì mới được đi. Phục lục 4 (ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014) ghi cứng 267 danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, còn điều kiện cụ thể như thế nào thì được quy định tại Luật chuyên ngành. Đây là lĩnh vực vẫn có thể gọi là chọn cho cũng được, vì chỉ khi doanh nghiệp tuân thủ (có đủ) các điều kiện theo quy định của Luật pháp và duy trì điều kiện đó, doanh nghiệp mới được quyền kinh doanh.
Tư duy chọn bỏ không chỉ dừng ở lĩnh vực ngành nghề kinh doanh mà còn đối với rất nhiều vấn đề khác khi luật mới chỉ mang tính định hướng mà không áp đặt như luật cũ .v.v. Điển hình như việc doanh nghiệp có thể chọn tùy ý lựa chọn hình thức, số lượng, cách thức sử dụng con dấu, tùy ý lựa chọn một hay nhiều người đại diện theo pháp luật, có thể bầu dồn phiếu hay không cũng tùy do Điều lệ công ty quy định .v.v.
Tại sao nói chọn bỏ là điều khó làm ?
Cuộc sống thì trăm nghệ, bách nghề, đổi mới, phát sinh liên tục mà Luật lại ghi cứng như vậy thì hoàn toàn có thể bị thiếu, bị sót, bị không theo kịp ..., trong khi hệ thống luật thành văn (Civil Law) của chúng ta không phải lúc nào cũng sửa đổi, bổ sung ngay được. Mặt khác, do sống quá lâu trong môi trường chọn cho, cái gì cũng phải có văn bản ghi rõ nội dung được làm, đóng dấu đỏ, mực son mới yên tâm được, giờ không ghi gì cả, lại bỏ cả con dấu thì có tin nhau được không ? Ngay nguyên tắc tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, nguyên tắc tiền đăng, hậu kiểm chúng ta quyết tâm làm và làm quyết liệt như thế suốt từ Luật Doanh nghiệp 1999 đến bây giờ (sau 15 năm thực hiện và hai đời luật doanh nghiệp), thế mà khi sửa đổi hai luật lần này vẫn còn không ít người muốn quay lại việc phải rà soát, thẩm định, rồi tiền kiểm, hậu đăng thì mới biết việc cải cách, đổi mới gặp khó khăn lớn đến nhường nào. Trong khi đó, hiện nay, hầu hết luật khác có liên quan thì gần như đều trông chờ vào sự đăng ký, cấp phép có tính chất "sơ tuyển", "cử tuyển", "gác cổng" .v.v. của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đó còn là việc làm sao đẩy mạnh được công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người, góp phần tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả với người dân hơn. Ngoài ra, còn không ít các lỗi lo khác cần phải tìm biện pháp giải tỏa căn cơ tận gốc rễ như việc phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp luôn bị đánh giá là không đạt hiệu quả cao, nay "tự do" hơn thế này thì không biết quản thế nào? rồi thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất hạn chế, điển hình như nhiều trang Website của các cơ quan Nhà nước lập ra rất công phu với đầy đủ biểu mẫu, hướng dẫn, văn bản pháp luật .v.v. nhưng phần vì việc tự nghiên cứu văn bản chưa tạo thành thói quen, phần vì các nội dung được trình bày có lẽ chưa thật sự hấp dẫn, dễ hiểu, thực sự thuận tiện, phần vì việc quảng bá giới thiệu chưa rộng rãi .v.v. nên số lượng truy cập không cao, từ đó tương tác với hệ thống đạt số lượng thấp; vai trò của Luật sư, các tổ chức tư vấn chưa thật sự được coi trọng .v.v.
Biết khó, sao vẫn chọn ?
Có nhiều lý do, nhưng chỉ cần kể hai lý do là đã xứng đáng để chọn chọn bỏ. Một là quốc tế người ta làm lâu rồi, mình không thể mãi giữ tính chất "đặc thù Việt Nam" kiểu ốc đảo được khi mình đã mở cửa làm ăn với cả thiên hạ. Hai là việc này đặc biệt giúp đỡ doanh nghiệp, kể từ nay các doanh nhân chỉ cần nhớ đến 6 lĩnh vực biển đỏ bị cấm hoàn toàn và nhớ thêm mấy cái biển vàng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, còn lại thì tự do kinh doanh, không phải nơm nớp là ngành nghề đó mình đã đăng ký chưa, liệu có bị phạt không .v.v. Lưu ý là việc đăng ký thay đổi, bổ sung ngành nghề nói thì dễ vậy nhưng ngành nghề lại được ghi trong Điều lệ, muốn sửa đổi bổ sung điều lệ thì lại phải họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, khó chứ đâu có dễ. Chỉ hai điều thế thôi đã thấy xứng đáng chọn chọn bỏ, dù biết khó làm.
Kỳ vọng khâu thực thi !
Có luật mới tốt rồi nhưng luật mới có góp phần quan trọng tạo nên một làn sóng thành lập doanh nghiệp, làn sóng đầu tư, kinh doanh mới, tạo nên một cuộc "đổi mới" lần 2 hay không còn chờ rất nhiều vào khâu hướng dẫn và đặc biệt là khâu thực thi. Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là hai Luật này có hiệu lực, vì vậy việc cấp bách là cần phải ban hành đầy đủ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện. Chỉ tính riêng Luật Doanh nghiệp 2014 đã có đến 15 điều giao Chính phủ quy định (so với chỉ có 8 điều của Luật cũ). Đồng thời và cùng với đó phải làm ngay việc một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định .v.v. để các quy định mới của hai luật không bị vướng ở khâu thực thi. Chẳng hạn như quy định cũ là Doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đầu tư rồi mới đi xin giấy phép xây dựng, bây giờ bỏ Giấy chứng nhận đầu tư rồi thì hồ sơ, thủ tục đó cũng đương nhiên phải thay đổi theo .v.v.
Điều cần nhấn mạnh là, vì quyền lợi của chính mình, hơn ai hết, các doanh nghiệp rất cần tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến sâu, sát, kịp thời vào các văn bản hướng dẫn đó để khi thực hiện đảm bảo khả thi cao nhất, tránh tình trạng có những quy định "từ trên trời rơi xuống" như đã thấy ở một số văn bản quy phạm pháp luật gần đây. Rất tiếc là do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan mà điều này đã không được coi trọng thích đáng, nên nhiều trường hợp đưa ra xin ý kiến cộng đồng còn mang nặng tính hình thức. Cũng không phải không có tâm lý e ngại là, Luật, Nghị định, Thông tư khó như thế, cao, xa ... như thế, liệu mình đóng góp ý kiến có ai nghe không ? Đại thi hào Uy-li-am Sếch-xpia, nhà văn vĩ đại nhất của nước Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại đã từng viết một câu theo Kinh thánh, đại để: Hỏi đi, sẽ được trả lời! Tìm đi, anh sẽ thấy! Gõ đi, cửa sẽ mở ! Vấn đề là phải thật sự tâm huyết, kiên trì và nhất định mục tiêu phải là muốn đóng góp vào sự phát triển lành mạnh, sự thịnh vượng chung của doanh nghiệp, của đất nước. Đương nhiên là ban soạn thảo, phản biện, trình duyệt, ký duyệt .v.v. cũng rất cần phải lắng nghe đầy trọng thị, đầy trách nhiệm, tổng hợp thật đầy đủ cũng như trăn trở với từng ý tứ, từng điều khoản dù nhỏ nhất, từng con chữ khi soạn thảo, khi phản biện và ngay cả khi phê duyệt.
Điều cực kỳ hệ trọng chính là sự chuyển biến của tư duy và nhận thức về vai trò của Nhà nước từ “quản lý”, “cai trị” sang “quản trị”, “phục vụ”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói quản lí nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lí là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn. Các cơ quan nhà nước cần tập trung nghiên cứu sâu sắc, kỹ lưỡng các Luật mới cũng như xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật để triển khai và phối hợp triển khai tốt nhất. Đơn cử như Luật doanh nghiệp 2014 gán cho Cổng thông tin quốc gia về ĐKDN: http://dangkykinhdoanh.gov.vn/ và một số trang điện tử khác nhiều "trọng trách" hết sức lớn lao. Cần quảng bá rộng rãi để trang này trở thành cẩm nang không thể thiếu của tất cả các doanh nghiệp và của cả nhân dân nữa. Rất cần phải làm sao cho trang này nổi tiếng đến mức như "Dân ta phải biết sử ta/Cái gì không biết thì tra Google", vậy thì nay "Doanh nghiệp quý nhất thông tin/Muốn tin thì phải tín ngay Cổng này" chẳng hạn. Về mặt kỹ thuật phải xử lý làm sao chỉ cần gõ tên của doanh nghiệp muốn tìm hiểu vào là mạng Internet là sẽ dẫn đến ngay Cổng thông tin quốc gia về ĐKDN chứ mấy ai mà nhớ được tên miền dài như vậy mà đi tìm ngoài mấy người chuyên nghiệp về việc này? Nghiên cứu cách thức xử lý của các trang đang có rất nhiều người truy cập, cũng có thể mang lại nhiều gợi ý tốt, thậm chí đơn giản chỉ là thêm tin về thời tiết và một cái đồng hồ chỉ giờ ... Hay việc nghiên cứu các điều khoản chuyển đổi làm sao cho hợp lý như việc đối xử bình đẳng, công bằng như thế nào với trên nửa triệu Giấy CN ĐKDN có ghi ngành nghề kinh doanh hiện nay cùng với trên nửa triệu con dấu đã được cơ quan Công an đăng ký với các quy định mới là không ghi ngành nghề, không phải đăng ký dấu với cơ quan công an, rồi Điều lệ cũ có cần sửa đổi bổ sung không, các điều khoản trái Luật có đương nhiên vô hiệu khi Luật mới vào cuộc không, ngoài ra còn nhiều, rất rất nhiều các điều khoản đổi mới khác.
Luật mới đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới, hồ sơ mới, thời gian mới, thủ tục mới, sẽ phải bãi bỏ hoàn toàn bộ thủ tục cũ, xây dựng và ban hành mới hoàn toàn bộ thủ tục hành chính mới liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, .v.v.. Nguyên lý cuộc sống là khi ta thay đổi việc gì mà không gặp phải lực cản, đương nhiên việc đó không phải là cải cách, vì cải cách nghĩa là bỏ cái cũ lạc hậu, xây dựng cái mới tiên tiến, văn minh hơn thì nhất định sẽ gặp phải sự cản phá của cái cũ. Xác định được điều đó, cùng với Hiến pháp 2013 và rất nhiều Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 tiên tiến với hàng loạt các cải cách quan trọng, nhất định chúng ta sẽ kiến tạo được môi trường kinh doanh tốt, giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển vững mạnh, mọi người được tự do kinh doanh theo đúng ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này ./.
Lê Xuân Hiền
Trưởng phòng ĐKKD - Sở KHĐT tỉnh Hải Dương
Trương Thanh Sơn Công ty CP Việt Tiên Sơn Địa Ốc Sinh nhật: 03/11/1966
|
Nguyễn Xuân Thắng Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 10/11/1977
|
Nguyễn Trọng Tiến Cục thuế tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 20/11/1973
|
Phạm Đức Thắng Công ty cổ phần sản xuất Vita Sinh nhật: 27/11/1981
|
Nguyễn Thị Thoa Công ty TNHH TM và DV Quà tặng Thành Đông Sinh nhật: 05/11/1990
|
LÊ XUÂN THANH Teckcombank chi nhánh Hải Dương Sinh nhật: 02/11/1979
|
VŨ KHẮC KHƯƠNG Công ty TNHH Vĩnh Hà HD Sinh nhật: 03/11/1974
|