Nhằm xây dựng báo cáo của cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có hiệu quả, chất lượng, sáng nay (19/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp”.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một quốc gia. Hiến pháp năm 1992 đang được sửa đổi và lấy ý kiến toàn dân để phù hợp với sự phát triển của đất nước, bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Hội thảo sẽ đóng góp quan trọng trong hoàn thiện Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp.
Đúng 8h30', Hội thảo chính thức được bắt đầu
Tới tham dự hội thảo có TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp, cùng đông đảo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, trong những ngày qua, cộng đồng DN doanh nhân đã tham gia đóng góp sửa đổi Hiến pháp rất nhiều. Hội nghị ngày hôm nay sẽ góp thêm tiếng nói của cộng đồng DN doanh nghiệp vào vấn đề này.
Về định hướng tại Hội thảo, ông Lộc đề nghị các tham luận tập trung vào vai trò của DN doanh nhân trong bản dự thảo hiến pháp. TS Vũ Tiến Lộc cho biết, trong bản hiến pháp năm 1992 cũng như bản dự thảo lần này, cụm từ doanh nhân không xuất hiện. Trong điều kiện hiện nay, vấn đề này cần phải được cân nhắc. Bởi, Doanh nhân ngày càng đang trở thành lực lượng quan trọng quyết định sự hưng thịnh của đất nước. Đảng ta đã có nghị quyết về xây dựng phát huy vai trò của đội ngũ DN doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, vì vậy cần phải tăng cường mối liên kết nông dân – công nhân - trí thức. Trong hội thảo này chúng ta cần phải trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về DN doanh nghiệp để cân nhắc đề xuất, có nên đề cập đến vai trò của doanh nhân trong thời đại mới hay không.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo
Bác Hồ khi viết tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ công hòa đã đến một nhà tư sản giàu nhất Hà Nội viết bản tuyên ngôn độc lập. Sau 2 tuần khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ công hòa Bác đã tiếp giới doanh nhân. Như vậy, giới doanh nhân giới đầu tiên được chủ tịch tiếp sau khi đất nước non trẻ ra đời. Sau đó bác có gửi thư cho giới công thương nói rõ: Giới công thương phải phấn đấu để xây dựng một nền kinh tế vững vàng, Người khẳng định: nền kinh tế của quốc gia vững vàng thịnh vượng nghĩa là sự nghiệp kinh doanh của doanh nhân vững vàng.
"Trở lại biểu tượng khối đại đoàn kết dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân, tôi nghĩ, việc đề cập đến cụm từ doanh nhân và vai trò của doanh nhân trong khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới là rất cần thiết" - TS Lộc nhấn mạnh.
Dự thảo có thể có 2 sự lựa chọn: Cách 1, có thể chỉ nói đến tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Cách 2, nếu đã nói đến công nhân, trí thức thì phải nói đến doanh nhân, bởi cụm từ doanh nhân xuất hiện trong hiến pháp sẽ có ý nghĩa to lớn, tạo thêm động lực cho giới này trong việc bỏ thêm trí tuệ xây dựng đất nước, đóng góp cho đất nước trong thời gian tới.
"Tôi cũng rất vui mừng khi thấy trong bản dự thảo hiến pháp lần này không phân biệt các thành phần kinh tế, không ghi vai trò chủ đạo của các thành phần. Điều này phù hợp nguyên tắc các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng trong thời gian qua. Nhưng liệu rằng, chúng ta có thể điều chỉnh hiến pháp một cách thích hợp hơn nữa không? Liệu trong hiến pháp này có hình thức nào khẳng định việc kinh doanh là sự nghiêp của nhân dân. Chừng nào ta phát động được tất cả nhân dân làm kinh doanh thì đất nước mới giàu mạnh được. Vậy, ta có nên đề cập đến vai trò của kinh tế tư nhân, cụ thể là nhân dân làm kinh doanh trong hiến pháp lần này không. Bởi, nếu tinh thần này được thể hiện trong hiến pháp thì tất cả nhân dân sẽ được cổ vũ, động viên, tham gia vào làm kinh tế. Ngoài những vấn đề nêu trên, hiện còn rất nhiều vấn đề nữa liên quan đến sự nghiệp của doanh nhân, vì vậy, qua buổi hội thảo ngày hôm nay, tôi rất mong chúng ta sẽ tiếp tục đề cập, thảo luận" - TS Vũ Tiến Lộc nói.
Quang cảnh hội thảo
Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp đã trình bày về một số định hướng và nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan tới doanh nghiệp. Hiến pháp năm 1992 có 12 chương, 147 điều. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp
Có thể thấy, các vấn đề xung quanh dự thảo Hiến pháp đều có ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, việc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam góp ý về sửa đổi Hiến pháp là điều hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Để đạt được mục tiêu này, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần đáp ứng các yêu cầu sau đây: Thứ nhất, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thứ hai, thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng. Thứ ba, hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tỏ ra đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, nên gọi Hiến pháp (sửa đổi) là Hiến pháp 2013 vì sửa đến hơn 90% nội dung của Hiến pháp 1992. Tại chương III của Hiến pháp (sửa đổi), ông Mại cho rằng chương này viết khá dài nhưng vẩn chưa dựa trên tư duy phát triển mới để giải quyết những trở lực lớn trên con đường chấn hưng đất nước, vẩn là kinh tế thị trường định hướng XHCN, vẫn là các thành phần kinh tế ( theo quan điểm giai cấp ) vẩn là nhà nước quản lý…
Ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Theo ông Mại, ta cần làm nổi bật hơn vai trò doanh nghiệp dân tộc đã được đề cập đến trong một vài văn kiện của Đảng, mà việc xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước và đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế là quan trọng nhất. Đồng thời, cần nhấn mạnh chức năng của Nhà nước trước hết là người tạo môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn, là bà đỡ để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất trong kinh doanh, tích lũy vốn, đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển… bằng hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện theo kinh tế thị trường.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần khuyến khích mọi công dân thực sự dân chủ trong việc đề ra ý tưởng mới, sáng kiến, phát minh mới, được Nhà nước bảo hộ và tạo điều kiện về pháp luật và tài chính để đưa vào sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước và xã hội.
Về vấn đề đất đai, mặc dù dự thảo soạn theo kết luận của Hội nghị TƯ VI nhưng nhân dịp sửa Hiến pháp, chúng ta cũng cần bàn thêm về Quyền sở hữu đất đai. Nhà nước đã chủ trương cấp cho người dân sổ đỏ (sổ hồng); đất ở gắn với nhà ở, họ có quyền bán, thế chấp, thừa kế. Phần lớn người Việt Nam coi nhà ở không chỉ là nơi cư trú mà còn là của cải để lại cho con cháu như một di sản của cha mẹ. Ông Mại đề nghị, nên thừa nhận quyền sở hữu cá nhân đối vớt thổ cư gắn với nhà ở của từng hộ gia đình. Đó là thừa nhận một thực tế lịch sử đã tồn tại ở nước ta hàng ngàn năm, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Ngoài ra, ông cũng kiến nghị nên bỏ những nội dung chung chung không cần nêu lên trong Hiến pháp (như điều 53), viết gọn và rõ về kinh tế như sau: Nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tôn trọng và phát huy quyền tự do kinh doanh, ý tưởng và sáng kiến của người dân và doanh nghiệp; Các doanh nghiệp và tổ chức tham gia thị trường được Nhà nước khuyến khích hợp tác, cạnh tranh, chống độc quyền hướng đến mục tiêu hình thành đối ngũ doanh nghiệp dân tộc ngày càng lớn mạnh; Nhà nước điều tiết thị trường bằng hệ thống pháp luật công khai, minh bạch và ổn định, tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, can thiệp hoạt động của thị trường khi cần thiết nhằm bảo đảm duy trì các quan hệ cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân; Đất đai thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng dân cư và sở hữu cá nhân.
Góp ý tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Tuấn- Nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (1993-2006) đã chia sẻ về vấn đề Quyền và Nghĩa vụ của doanh nhân trong Hiếp pháp. Theo ông, năm 1990, việc ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, tiếp theo đó là Luật Doanh nghiệp 1999 đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành và phát triển doanh nhân, song phạm vi hoạt động của kinh tế tư nhân vẫn còn bị hạn chế. Những năm trước, trong các văn kiện Đại hội Đảng, vẫn chưa có danh từ “doanh nhân”. Cho đến Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) mới bắt đầu dùng khái niệm “nhà doanh nghiệp”, đến Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4-2006) mới dùng khái niệm “doanh nhân”, đến nay khái niệm này đã được sử dụng phổ biến và từ năm 2004, ngày 23 tháng 10 hằng năm đã được Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy làm “Ngày Doanh nhân”.
Trước yêu cầu của thời kỳ mới của công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Hiến pháp cần có những quy định thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nhân nhằm xây dựng tầng lớp doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ để điều hành, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao.
Về vị trí của doanh nhân trong xã hội, ông Tuấn kiến nghị trong Điều 2 Dự thảo, không nên quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” mà chỉ cần quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là đủ, thể hiện rõ hơn tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, tránh phân biệt đối xử.
Về sở hữu và tự do kinh doanh: Tại Điều 34 Dự thảo quy định “1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh” và Điều 56 Dự thảo quy định “1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. 3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa …”. Điều 55 Dự thảo quy định “1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường …” là một điểm mới rất quan trọng về chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường, khác với Điều 26 Hiến pháp 1992, khẳng định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nhân trong kinh doanh.
Ông kiến nghị: Sau khoản 2 “Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh” cần bổ sung “Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân trong sản xuất kinh doanh”; có những điều khoản để bảo đảm thực hiện các quy định này trong thực tế, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng các quy định này.
Về bình đẳng trong kinh doanh. Điều 54 Dự thảo quy định “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Quy định này không nhắc lại luận điểm lâu nay là “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” có thể coi là một bước đột phá quan trọng, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Xin đề nghị: nên tiến thêm một bước, khẳng định kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế cá thể và tư bản tư nhân) là bộ phận chủ lực của nền kinh tế, với vai trò không thể thiếu đã được thể hiện qua thực tế cuộc sống trong việc bảo đảm phát triển bền vững, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo,giải quyết các vấn đề xã hội .
Quyền tham gia quản lý nhà nước, Cần sửa lại Điều 74 Dự thảo “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” theo nguyên lý Hiến pháp là do dân làm ra và quyết định; dân là chủ thể của quyền lập hiến, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp là đương nhiên phải được thực hiện, không nên để Quốc hội quyết định.
Tiếp theo là quyền tham gia quyết định các chủ trương, chính sách phát triển. Điều 29 Dự thảo quy định “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” . Các điều này rất quan trọng, nhằm thu hút được trí tuệ của doanh nhân vào việc hình thành hệ thống thể chế, chính sách. Xin đề nghị thêm: cơ quan nhà nước thực hiện tranh luận công khai, bình đẳng và thực hiện trách nhiệm giải trình đầy đủ khi còn những ý kiến khác nhau, tránh áp đặt những quy định không sát thực tế, không khả thi hoặc chỉ thuận tiện cho cơ quan quản lý, gây khó cho doanh nghiệp.
Về kinh tế, Điều 31 Dự thảo quy định “1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. Đề nghị bổ sung: Tòa án độc lập trong xét xử, chỉ theo Hiến pháp và luật, để bảo đảm công lý, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh của doanh nhân.
Doanh nhân cần được bảo vệ bằng các tổ chức xã hội dân sự: Để khắc phục sự lạm quyền có thể xảy ra của các cơ quan nhà nước, bên cạnh các quy định về kiểm soát, hạn chế quyền lực đã ghi trong Hiến pháp, cần có thêm quy định Nhà nước khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tổ chức xã hội hoạt động nhằm nâng cao trình độ, năng lực, trợ giúp doanh nhân trong quản lý, điều hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp.
Vai trò của xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự (thường được gọi là các tổ chức xã hội) là những tổ chức tự nguyện do cộng đồng dân cư hoặc cộng đồng doanh nhân lập ra đang hoạt động rất có hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nhân … Như vậy, rất cần thiết khẳng định vị trí, vai trò của các tổ chức này. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã được xác định là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp càng cần có vị trí xứng đáng.
Điều 119 Dự thảo quy định “Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề liên quan” và “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thực hiện chế độ thông bào tình hình mọi mặt của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội …”. Đề nghị thêm thành phần đại diện một số tổ chức (trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số Hội Doanh nghiệp, Hội ngành nghề) tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan.
Tiếp nối về mạch góp ý về vai trò của doanh nhân trong dự thảo Hiến pháp, ông Lê Duy Bình - Economica Vietnam cho biết, xuyên suốt trong bản Hiến pháp 1992 cũng như bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này, cụm từ doanh nhân cũng không được đề cập. Điều này gây không ít băn khoăn cho một cộng đồng không nhỏ những người đang ngày đêm cần mẫn làm công việc kinh doanh, với mục tiêu là tạo ra của cải cho bản thân, xã hội và vì sự thịnh vượng của quốc gia.
Mỗi năm ở nước ta có gần 80.000 doanh nghiệp ra đời. Hiện nay, cả nước đã có trên 600.000 DN và 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133 ngàn hợp tác xã và trang trại. Nếu chỉ tính mỗi DN có từ 2-3 doanh nhân và mỗi hộ kinh doanh cá thể và trang trại có một doanh nhân thì cả nước đã có trên 2 triệu doanh nhân đang ngày đêm miệt mài lao động nhằm tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo ra của cải bản thân, cho xã hội và quốc gia qua phụng sự xã hội.
Ông Lê Duy Bình - Economica Vietnam bày tỏ mong muốn của giới doanh nhân muốn các nhà xây dựng Hiến pháp sự đánh giá đầy đủ hơn về các nỗ lực của họ
Tuy với vai trò quan trọng như vậy đối với sự phát triển của đất nước, sự thịnh vượng và sự tiến bộ xã hội của nước ta, nhưng doanh nhân gần như không được đề cập trong bản Hiến pháp 1992 cũng như bản dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp. Bản Dự thảo tiếp tục khẳng định về quyền tự do kinh doanh của người dân, khẳng định về mô hình nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Cộng đồng doanh nhân rất vui mừng và phấn khởi với những khẳng định này. Đặc biệt, bản Dự thảo hiến pháp đã không đề cập tới vai trò chủ đạo của DNNN. Mọi doanh nhân trong các thành phần kinh tế đều được coi là bình đẳng.
Nhưng cộng đồng doanh nhân không khỏi chạnh lòng khi không thấy tên mình trong nền tàng của quyền lực nhà nước và của nhân dân. Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp như hiện nay “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” đã tạo cảm giác cộng đồng doanh nhân vẫn còn bị phân biệt đối xử, và vai trò cũng như đóng góp của họ chưa được đánh giá một cách tương xứng.
Giới doanh nhân mong muốn các nhà xây dựng Hiến pháp sự đánh giá đầy đủ hơn về các nỗ lực của họ vì sự giàu có của đất nước, vì sự tiến bộ của xã hội và cân nhắc cách thể hiện nội dung này nhằm loại bỏ sự thể hiện còn mang tính phân biệt đối xử, ngay trong bộ luật gốc này.
PGS.TS Đặng Văn Thanh - Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam
PGS.TS Đặng Văn Thanh - Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam góp ý về chế định hoạt động kiểm toán nhà nước. Theo ông, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chưa quy định hoạt động và tổ chức của kiểm toán Nhà nước. Trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này có hai Điều quy định về Kiểm toán nhà nước. Điều 75 chương V và điều 122 chương X. Điều 75, khoản 7 quy định: Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng kiểm toán nhà nước. Điều 122 quy định:1- Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2-Tổng kiểm toán là người đứng đầu kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán do Luật định.
Tổng kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3-Tổ chức nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do Luật định.
Các quy định như vậy đã thể hiện quan điểm phát triển kiểm toán nhà nước thực sự trở thành công cụ quan trọng và đủ mạnh của Nhà nước thực hiện kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân quỹ nhà nước, tài sản quốc gia, làm trọn vai trò hỗ trợ giám sát, kiểm soát quyền lực, đặc biệt các quyền lực trong huy động, tập trung, phân phối và sử dụng tài chính quốc gia, ngân quỹ nhà nướctrong nhà nước pháp quyền. Địa vị pháp lý của kiểm toán nhà nước đã được xác lập trong Hiến pháp, đạo luật cơ bản của Nhà nước.
Vị trí của Kiểm toán nhà nước đã được xác lập trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam, trong hệ thống quyền lực và bộ máy công quyền của nhà nước.
Tại Điều 75 đã chế định: Quốc hội bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Tông kiểm toán nhà nước. Điều 122 không cần nhắc lại chế định này, mà nhắc lại không đầy đủ bằng quy định tại Điều 75. Cần quy định rõ trách nhiệm và quyền của kiểm toán nhà nước trong quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trước hết là các quyết định của Quốc hội, Hội đồng nhân dân về tài chính –ngân sách, đặc biệt là quyết định dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách.
Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế, nguyên phó Chủ tịch VCCI
Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế, nguyên phó Chủ tịch VCCI cho rằng điều 54 trong dự thảo hiến pháp lần này rất tiến bộ so với trước bởi không quy định thành phần kinh tế nhà nước là chủ đạo nữa. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này.
Bà chia sẻ, trong hiến pháp có khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng theo xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ, chỉ cần khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường là đủ.
Trên thế giới chỉ có kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường xã hội. Và, hiện nay khi đàm phán, chúng ta cũng chỉ bàn đến nền kinh tế thị trường. “Tôi nghĩ có những khái niệm không rõ ràng chúng ta không nên đưa vào vì sẽ làm khó đi trog quá trình luật hóa” – bà Lan góp ý.
Ngoài ra, trong khoản 1 điều 54, chỉ nên để nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, không nên để nhiều thành phần kinh tế, bởi nhiều thành phần kinh tế được hiểu là những thành phần nào?
Ở điều 57, 58 về đất đai. Đất đai là một loại tài sản vô cùng quan trọng đối với nhân dân, thế nhưng lại do nhà nước quản lý là không phù hợp. Tôi đề nghị phân biệt đất đai theo 2 khái niệm: Lãnh thổ (nhà nước và công dân phải bảo vệ) và tài sản đưa vào sử dụng (phải được chia thành các loại hình sở hữu khác nhau: Nhà nước, cơ sở, nông dân). Ngoài ra, trong bản dự thảo hiến pháp nhận thấy có quá nhiều điều quy định nhà nước, sử dụng nhà nước là chủ ngữ. Cụ thể, có tới 122 từ nhà nước được xuất hiện trong bản hiến pháp, như vậy là quá nhiều trong khi đó hiến pháp này lại là của dân. Khái niệm về dân trong hiến pháp cũng không rõ ràng. Có chỗ ghi là công dân, nhưng có chỗ lại ghi lại mọi người. Chúng ta cần phải làm rõ khái niệm này bởi vì quyền công dân và quyền con người là khác nhau. Bên cạnh đó, dự thảo cũng có rất nhiều chỗ xã hội được dùng làm chủ ngữ. Đây cũng là một cụm từ không rõ ràng bởi xã hội là ai, cụ thể là đối tượng nào?
Bà Lan cũng hoan nghênh tinh thần ở điều 56, bởi nó đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân.
Tại hội thảo, ông Mai Đình Mạnh – Chánh Văn phòng – TB Tổ chức & pháp chế, Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam cho rằng, tại Điều 56 có ghi: 1-Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định của pháp luật. 2-Nhà nước thực hiện chính sách độc quyền và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. 3-Tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được nhà nước thừa nhân, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng theo luật định.
Ông Mạnh đề nghị bổ sung mục 4 sau khi kết thuc mục 3 là, nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ pháp lý cho các thành phần kinh tế đầu tư hợp pháp ra nước ngoài và các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm ra thị trường các nước trên thế giới.
Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội khẳng định bước tiến quan trọng nhất của dự thảo Hiến pháp sửa đổi là khẳng định các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau trong hoạt động kinh doanh.Khoản 2 Điều 54 dự thảo Hiến pháp sửa đổi khẳng định: "2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".
Bên cạnh những nội dung mới, tiến bộ, tại Chương III Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, ít nhất cũng còn những vấn đề sau đây cần trao đổi, nghiên cứu thêm. Trong giai đoạn mới của sự phát triển nền kinh tế quốc dân, doanh nhân là lực lượng có vị trí đặc biệt quan trọng. “Song, thật đáng buồn, trong 124 Điều của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, cụm từ "doanh nhân" không hề được xuất hiện. Điều đó có nghĩa là, một "lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã bị Ban soạn thảo Dự thảo Hiến pháp sửa đổi...bỏ quên” – ông Tiền chia sẻ.
Vì thế, ông kiến nghị làm rõ vai trò của đội ngũ doanh nhân trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi với một trong những phương án sau:
Bổ sung vào Điều 2 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi như sau: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân".
Bổ sung vào khoản 2 Điều 34 DTHP sửa đổi như sau: 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân được nhà nước khuyến khích để ngày càng lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao trong hoạt động kinh doanh.
Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội
Về vấn đề đất đai, Điều 57 DTHP sửa đổi quy định: "Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa , vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật".
Về điều này, ông Tiền xin kiến nghị nghiên cứu để thừa nhận đa sở hữu về đất đai vì những lý do sau: Thứ nhất, chúng ta đã thừa nhận một nền kinh tế đa sở hữu, trong đó chủ doanh nghiệp tư nhân được quyền sở hữu tư liệu sản xuất, thậm chí các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc dân được cam kết bảo vệ quyền sở hữu tư liệu sản xuất của họ.
Cách đây hai năm, tranh luận về chế độ công hữu các tư liệu sản xuất – điểm then chốt của chủ nghĩa xã hội – đã kết thúc với kết quả là khái niệm này đã được gác lại. Các doanh nghiệp nhà nước đang được cổ phần hóa, tức đa dạng hóa sở hữu.Với nông dân, tại sao không thể mạnh dạn áp dụng một sự ứng xử tương tự – tức là công nhận người dân có quyền sở hữu đất đai – là tư liệu sản xuất chính của họ.
Làm khác đi là không tạo ra sự công bằng, là tước bỏ của người nông dân cái quyền họ mơ ước bao giờ nay. Làm khác đi, có nghĩa chỉ áp dụng “định hướng xã hội chủ nghĩa” với nông dân, còn giới doanh nghiệp thì thôi khỏi? Hay nhìn ở góc ngược lại, xây dựng nền nông nghiệp mà đất đai không vận hành theo đúng quy luật thị trường thì, đến một ngưỡng nào đó, làm sao nông nghiệp phát triển tiếp tục.
Thứ hai, không nên đặt ra những lo ngại vô căn cứ khi thừa nhận nhiều hình thức về sở hữu đất đai. Phản bác việc đa sở hữu về đất đai, một số ý kiến nêu ra những "hậu quả xấu" như sau: Sở hữu tư nhân sẽ dẫn đến tích lũy ruộng đất, làm nảy sinh “tầng lớp địa chủ” mới; Sở hữu tư nhân về đất đai sẽ khó giải tỏa để làm các công trình công cộng hay đơn thuần là để phát triển các khu đô thị mới...
Theo dddn.com.vn
Trương Thanh Sơn Công ty CP Việt Tiên Sơn Địa Ốc Sinh nhật: 03/11/1966
|
Nguyễn Xuân Thắng Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 10/11/1977
|
Nguyễn Trọng Tiến Cục thuế tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 20/11/1973
|
Phạm Đức Thắng Công ty cổ phần sản xuất Vita Sinh nhật: 27/11/1981
|
Nguyễn Thị Thoa Công ty TNHH TM và DV Quà tặng Thành Đông Sinh nhật: 05/11/1990
|
LÊ XUÂN THANH Teckcombank chi nhánh Hải Dương Sinh nhật: 02/11/1979
|
VŨ KHẮC KHƯƠNG Công ty TNHH Vĩnh Hà HD Sinh nhật: 03/11/1974
|