PHÁT TRIỂN HỘI VIÊN Thứ 4, 03/12/2014 0:38 GMT+7

Công nhiệp hỗ trợ: Chưa làm nhỏ, đừng mơ lớn!

(Thời báo Kinh Doanh) - Trong khuôn khổ “Ngày hội các nhà cung cấp” do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) tổ chức, đại diện hãng sản xuất chíp lớn nhất thế giới Intel Vietnam cho biết, có khoảng 20 DN nội đang là nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho hãng. Tuy nhiên, tất cả đều là cung cấp nguyên phụ liệu đơn giản, giá trị thấp.

Theo vị đại diện này, 20 DN Việt Nam chủ yếu cung cấp những sản phẩm phụ cho Intel như bao bì, thuốc tẩy… Còn lại, những sản phẩm công nghệ cao như bản mạch, linh kiện… - vốn chiếm giá trị lớn nhất trong sản phẩm – thì hãng vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu là nhập từ Nhật Bản. Nếu Việt Nam có DN sản xuất được những sản phẩm này, chắc chắc Intel sẽ chuyển sang mua sản phẩm trong nước.

Phụ trợ là việc vặt

Mong đợi của các DN FDI vào những nhà cung cấp nội địa là rất thực tế, và đã kéo dài nhiều năm. Vì trong khi các DN FDI tìm tới Việt Nam để đầu tư là do chi phí nhân công, thuê đất tại Việt Nam rẻ, thì sự rẻ ấy sẽ trở thành tuyệt vời, nếu những nguyên vật liệu cho sản phẩm của họ được cung cấp ngay tại Việt Nam, thay vì bị đội chi phí do chịu giá và chi phí khi nhập khẩu.

Nhưng vấn đề phức tạp mà ít được chú ý, là ngay từ nhà quản lý tới DN Việt Nam cũng ít người dám “liều”, để đột phá làm nhà cung cấp nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất của các DN FDI. Trong khi đó các DN FDI đã tư duy là Việt Nam cần hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh phục vụ cho hoạt động của họ, thì với DN nội và quan chức nội, tư duy phục vụ ấy vẫn là phát triển “công nghiệp phụ trợ”. Và bởi cái đích phải trở thành một nền “công nghiệp”, mà mọi tư duy cho nó đều bắt đầu từ vấn đề “đầu tiên – tiền đâu” 

Tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 20%, còn 80% lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu 

Cách hiểu này đưa tới hai hệ lụy, đưa việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa thành một hoạt động lòng vòng, không lối thoát. Chẳng hạn, trường hợp của hãng Samsung, với doanh số xuất khẩu sản phẩm hơn 20 tỷ USD, Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất ốc vít và khung nhựa, khung kim loại cung cấp cho hoạt động sản xuất điện thoại của hãng này. Tuy nhiên, vì việc xây dựng đó thuộc “quy hoạch” phát triển công nghiệp phụ trợ, nên các DN và nhà quản lý còn mải nhìn nhau, xem ai sẽ là người tài trợ vốn, xem “quy hoạch” ấy được ưu đãi gì….

Trong khi đó, với nhu cầu của Samsung, nếu chính Nhà nước đầu tư nhà máy, vận hành ổn định, trước khi cổ phần hóa nó để thu hồi vốn, thì tính khả thi vẫn khá cao. Nói cách khác, nếu hình dung việc sản xuất ấy chỉ thuần túy là khép kín chuỗi cung ứng cho Samsung, thu lợi nhuận từ bán sản phẩm cho Samsung, thì việc đầu tư sẽ không cần nghĩ tới việc được ưu đãi gì. Lợi ích thực sự, lâu dài khi trở thành “thầu phụ” cung cấp nguyên vật liệu cuối cùng lại bị đẩy lùi bởi các yêu cầu ngắn hạn, kiểu như phải được ưu đãi mới đầu tư. Thực tế, tại “Ngày hội các nhà cung cấp” vừa tổ chức, nhiều DN FDI cho biết họ ngạc nhiên khi DN nội chê đơn đặt hàng của họ là nhỏ, không đáng để sản xuất.

Nhưng lại là chuyện lớn

Sau 4 năm làm việc tại Nhật, anh Hùng – Giám đốc một DN – trở về mở DN chuyên sản xuất ốc vít, tuyo cho một DN sản xuất robot của Nhật trong khu công nghiệp Nomura. Sau thời gian sản xuất, hãng robot này đề nghị DN anh Hùng sản xuất thử một số linh kiện trong robot của hãng. Chỉ bằng tay nghề gia công cơ khí chính xác trên máy của DN anh Hùng, sản phẩm đã được tạo ra, đúng theo yêu cầu của DN Nhật. “Đơn giá mỗi linh kiện loại này do DN tôi sản xuất rẻ hơn khoảng 20 USD nếu so với sản phẩm nhập khẩu, nên họ rất thích” – anh Hùng nói.

Nhưng khi DN Nhật đặt vấn đề thuê DN anh Hùng sản xuất loạt loại linh kiện này, thì anh Hùng… đành từ chối buộc DN Nhật phải quay trở lại nhập khẩu linh kiện. Lý do rất đơn giản, khi đi vào sản xuất hàng loạt, DN anh Hùng phải đầu tư nhà xưởng, máy móc, chuẩn hóa hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn của DN Nhật. Nhưng mang đơn đặt hàng và dự án đi khắp các cơ quan, ngân hàng, anh Hùng đều bị từ chối cho vay vì không có tài sản đảm bảo cho khoản vay xây dựng nhà máy. Sau đó, vị giám đốc “nhà nghèo” mới rút ra được kết luận đầy thực tế và chua xót này: “Nhà nước ưu đãi lãi suất, hay có nguồn tiền cho vay các dự án công nghiệp phụ trợ, nhưng đó là cách làm sai lầm. Lãi suất, hay nguồn vốn riêng cho vay không thực sự là hỗ trợ DN. Vì lãi suất đã nằm trong đơn giá sản phẩm công nghiệp phụ trợ rồi, không cần và không nên ưu đãi. Mà điều cần là cơ chế cho vay đặc biệt với các dự án đã có đơn đặt hàng của DN FDI. Nhưng cho đến nay cơ chế ấy là chưa có” – anh Hùng nói.

Theo một lãnh đạo của AmCham, hiện chuỗi cung ứng cho các DN FDI tại Việt Nam vẫn còn yếu. Thực tế các nhà cung cấp cho DN FDI lại chính là DN FDI khác. Tức là một mô hình “nhập khẩu” linh kiện ngay trong nội địa và do đó tính linh hoạt, chi phí giá thành vẫn không giảm được, từ đó giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Trong khi đó vì đã đầu tư dự án tại Việt Nam, nên bất kể DN Việt có cung ứng được nguyên phụ liệu hay không, thì DN FDI vẫn phải có nguyên liệu để sản xuất. Điều này có nghĩa là chuỗi cung ứng nội địa yếu tức trở thành nguyên nhân trực tiếp “khuyến khích” xu hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu của DN FDI. Nói cách khác là khuyến khích xu hướng chuyển giá của các DN FDI.

Theo một DN nội, về cơ bản trình độ của DN nội đủ sản xuất được các nguyên phụ liệu cho các hãng nước ngoài. Nhưng điều thiếu nhất của DN nội là cơ chế tài chính phù hợp để đầu tư dự án sản xuất nguyên phụ liệu, linh kiện đặc thù. “Vấn đề không phải là lãi suất, mà là cơ chế cho vay khắc phục được yếu điểm thiếu tài sản đảm bảo, để giải phóng nhanh dòng vốn đầu tư” – vị này nói rất đơn giản như vậy, về vấn đề lớn trong phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

-----------------------------------

Gs, Ts. Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM

 Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI. Cụ thể đó là các ngành dệt may, cơ khí-điện tử, lắp ráp máy…

Các ngành này có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Giải pháp cần thiết nhất hiện nay là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đầu tư công nghệ cần nguồn vốn lớn. Vì vậy, để hỗ trợ các DN, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi.

Trần Duy - (thoibaokinhdoanh.vn)

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành