KINH NGHIỆM QUẢN TRỊ Thứ 3, 07/04/2015 10:47 GMT+7

ĐI TÌM KHÁI NIỆM THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

Nhân tại cuộc họp xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2014 tại Hà Nội ngày 19/3/2015, sau khi có những tranh luận sôi nổi nhưng đầy tính xây dựng về vấn đề thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chúng tôi nẩy ra ý định tìm hiểu xem thu hồi là gì ? thu hồi để làm gì ? Thực tế cho thấy, để xử lý vi phạm, trong nhiều trường hợp thì việc buộc phải thu hồi một cái gì đó thể hiện việc đã áp dụng mọi hình thức rồi nhưng cuối cùng thì chịu, không làm thế nào được thì đành phải thu hồi, nghĩa là thu hồi là việc cùng bất đắc dĩ, bắt buộc phải làm mà thôi ?

Anh Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng ĐKKD Sở KHĐT Hải Dương

I. Luật quy định về vấn đề thu hồi thế nào ?

Tra cứu trên Google, từ điển Việt- Việt giải thích: Thu hồi là, lấy lại cái đã nhường, phát , cho người khác: Thu hồi tiền tệ ; Thu hồi đất đai.

Luật Đất đai 2013 nêu khái niệm: Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Cái này rất rõ ràng, nhà nước thu hồi cái của nhà nước có, nghĩa là thu lại cái quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất, và cái đó vốn là của Nhà nước.

Trong thể thao, bóng đá dùng nhiều từ thu hồi bóng. Trong kinh doanh, nhà đầu tư thì luôn quan tâm đến thời gian hoàn vốn, sẽ mất bao lâu để một cuộc đầu tư cụ thể thu hồi lại số vốn đã bỏ ra .v.v. Các tổ chức tín dụng thì suốt ngày lo thu hồi nợ .v.v.

Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, trong đó sửa đổi điều 102 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã quy định như sau: ... 1. Biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề được thực hiện khi cơ quan quản lý thuế không áp dụng được hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 93 của Luật này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Vậy, trong Luật Doanh nghiệp 2014 quy định ra sao về vấn đề này ? Luật này không nêu khái niệm thu hồi là gì mà chỉ quy định 5 trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là: a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo; b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật này thành lập; c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; d) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản; đ) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án. Đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Khoản 12, điều 4, Luật Doanh nghiệp 2014 nêu: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp. Như thế, nếu nói địa vị pháp lý của tờ giấy chứng nhận này là rất cao cũng được, vì nó là giấy "khai sinh" ra doanh nghiệp, thông qua đó nhà nước công nhận sự tồn tại của Pháp nhân và công nhận cả cái không phải pháp nhân nữa, như Doanh nghiệp tư nhân, Hộ kinh doanh. Nhưng ngược lại thì sao nhỉ, vì nó chỉ ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp thôi, chứ có xin cho gì đâu ? Như vậy, khác hoàn toàn với thu hồi đất đai hay trái bóng hay thu hồi nợ nần hay thu hồi vốn liếng .v.v. khi ta thu hồi cái Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mục tiêu không phải là thu hồi cái tờ giấy cụ thể ấy, mà chỉ là thu hồi cái việc đăng ký ấy, qua đó nhà nước không công nhận sự tồn tại pháp nhân (hay không pháp nhân) ấy nữa và doanh nghiệp bắt buộc phải giải thể trong vòng 6 tháng. Khoản 6 điều 158 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: 6. Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trình tự và thủ tục giải thể được thực hiện theo quy định tại Điều này. Sau thời hạn sáu tháng quy định tại khoản này mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán.

Thực tế thì khi cơ quan ĐKKD ra Quyết định thu hồi GCN, mặc dù trong QĐ có ghi rõ là DN phải thực hiện việc giải thể (theo khoản 6 điều 158 - nêu trên) và nộp lại Giấy chứng nhận nhưng hầu hết các Doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc mà Luật Doanh nghiệp 2005 cũng chẳng quy định chế tài gì để xử lý được. Rút kinh nghiệm việc này, Luật Doanh nghiệp 2014 đã dành hẳn điều 203 để quy định việc giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án. Theo đó, thay vì quy định xóa tên của Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định hay hơn nhiều là: "Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp". Nghĩa là doanh nghiệp đó không bị xóa tên gì cả, mà vẫn được lưu trên Cơ sở dữ liệu, đến 100 năm sau có tra cứu đi chăng nữa thì vẫn thấy là ngày tháng ấy, có công ty ấy bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và DN đã không đi làm thủ tục giải thể gì cả! Rõ ràng, với quy định như vậy, hiệu quả của việc tra cứu lịch sử doanh nghiệp và tính "răn đe" sẽ cao hơn rất nhiều khi mà Luật Doanh nghiệp 2005 lại xóa tên Doanh nghiệp đi, dù họ không làm thủ tục giải thể, điều mà có khi, họ chỉ muốn có vậy.

 

II. Việc đề nghị thu hồi GCN ĐKDN còn được quy định ở những đâu ?

Tuy vậy, Luật DN có bị "gặm nhấm" không, có bị vượt qua không khi dưới đây, chúng tôi dẫn ra một Luật và một Nghị định có quy định về thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD (ĐKDN). Mà có lẽ cũng cần phải thống kê đầy đủ là còn có bao nhiêu những quy định như thế ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nữa.

1) Điều 93, Luật quản lý thuế (số 78/2006/QH11) quy định: một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là g) Thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề tuy vậy khoản 2 điều này lại viết là 2. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định tại khoản 1 Điều này chấm dứt hiệu lực, kể từ khi tiền thuế, tiền phạt đã được nộp đủ vào ngân sách nhà nước. Như vậy ở đây đang có sự không thống nhất giữa luật quản lý thuế với luật doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp quy định việc thu hồi là không phục hồi được trong khi Luật quản lý thuế thì lại cho rằng, nếu khắc phục được hậu quả thì cho phép phục hồi được. Vậy tại sao Luật Doanh nghiệp lại không xử lý giống Luật quản lý thuế về việc này ???

Về việc thu hồi theo điều 93 này, chúng tôi đã kiên trì ý kiến không thu hồi GCNĐKDN theo yêu cầu của cơ quan thuế, nhiều lần kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục QL ĐKKD, Tổng Cục thuế .v.v. và cuối cùng thì đã được Tổng cục Thuế chấp thuận. Ngày 11/12/2014, Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản số 5537/TCT-KK nêu rõ: Đối với trường hợp cơ quan thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế gửi văn bản đề nghị cơ quan ĐKKD thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cơ quan ĐKKD tiếp nhận thông tin, đồng thời ghi chú cảnh báo thông tin trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, không tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan thuế.

2) Khoản 2, điều 31, Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nêu: 2. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Không biết là đã có bao nhiêu trường hợp mà việc thu hồi đã được thực hiện theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP này. Tuy vậy theo chúng tôi được biết thì có lẽ là rất ít bởi cũng cần làm rõ thêm là có hay không sự nhầm lẫn giữa tên công ty với nhãn hiệu sản phẩm hay thương hiệu .v.v. Xin lấy ví dụ tên công ty là Công ty cổ phần nhựa Bình Minh rõ ràng không trùng với Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất nhựa ống Bình Minh. Việc họ xin cấp GCN ĐKDN với hai cái tên này là hoàn toàn đúng. Chết nỗi, Công ty cổ phần nhựa Bình Minh có nhãn hiệu nhựa BÌNH MINH đã được đăng ký bản quyền, in trên ống nhựa để bán khắp nơi, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất nhựa ống Bình Minh lại muốn lập lờ, đánh lận con đen, "ké" cái chữ BÌNH MINH vào sản phẩm của mình. Rắc rối này có hai tình huống xảy ra. Trường hợp thứ nhất là, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất nhựa ống Bình Minh, không đăng ký bản quyền mà tự ý sản xuất ống nhựa mang tên BÌNH MINH giống như cái Công ty cổ phần nhựa Bình Minh thì tức là anh đã giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng hóa, bao bì hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Trường hợp này Công ty cổ phần nhựa Bình Minh hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất nhựa ống Bình Minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Trường hợp thứ hai là, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất nhựa ống Bình Minh đi đăng ký nhãn hiệu BÌNH MINH thì đương nhiên là sẽ không được cấp giấy chứng nhận vì nhãn hiệu đó đã được bảo hộ rồi. Thế nghĩa là, trong cả hai trường hợp, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất nhựa ống Bình Minh đều sai, tự làm thì sai đã rõ rành rành, đi đăng ký thương hiệu sản phẩm mà người ta không đăng ký cho mà về vẫn cố tình làm thì càng sai, người ta kiện cho là đương nhiên. Chưa kể là rất có thể sẽ bị áp vào Điều 156, luật hình sự năm 1999 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Như vậy tại sao lại đặt ra vấn đề là thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN khi mà người ta vi phạm về thương hiệu hay nhãn hiệu sản phẩm ??? Biết đâu Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất nhựa ống Bình Minh ngoài ống nhựa ra, họ còn làm rất nhiều sản phẩm khác, không lẽ chỉ vì có một sản phẩm bị vi phạm mà lại đem "chôn' cả một doanh nghiệp của người ta ??? Mà cứ cho là thu hồi được cái giấy CN ĐKDN này đi, thì với mức lợi nhuận khủng khiếp khi làm hàng giả, hàng nhái .v.v., lấy gì ra để đảm bảo rằng họ sẽ lại tiếp tục không đăng ký hàng loạt công ty khác, tên còn dài hơn nữa như là Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu - Sản xuất và Kinh doanh ống nhựa Bình Minh chẳng hạn, vẫn để sản xuất cái ống nhựa ấy. Nghĩa là nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, cho chừa cái thói lười tư duy, lười sáng tạo, chừa cái thói thích làm ăn gian dối đó đi .v.v.

III. Kiến nghị giải pháp

Khi bàn về việc phối hợp xử lý vi phạm của Doanh nghiệp, có đề nghị được áp dụng khoản c, điều 209 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đăng ký kinh doanh là: c) Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp. Như vậy, Luật ghi rõ là báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật này chứ không phải là báo cáo về việc tuân thủ các quy định của pháp luật nói chung. Lẽ dĩ nhiên Luật này (Luật Doanh nghiệp) cũng quy định nhiều thứ lắm, chẳng hạn như điều 8 của Luật nêu đến 9 điểm mà doanh nghiệp phải có nghĩa vụ phải chấp hành. Còn nữa, bất cứ Pháp nhân (hay không pháp nhân nữa) nào (con người do pháp luật sinh ra) cũng giống như thể nhân,luôn phải chịu mọi trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của mình cũng như phải gánh mọi nghĩa vụ liên quan đến mình. Tuy vậy, không thể căn cứ vào điều khoản này để mà bảo là cơ quan ĐKKD có cái quyền yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của mọi Luật được, cứ vướng mắc khi thực thi Luật nào mà không tự xử lý được là nghĩ ngay đến cái việc thu hồi. Càng không thể nói là nếu doanh nghiệp báo cáo không rõ ràng, không được chấp nhận (về mọi thứ mà cơ quan ĐKKD yêu cầu) .v.v. thì là cứ việc thu hồi giấy chứng nhận ĐKDN ngay được.

Điều 84 Dự thảo Nghị định về ĐKDN (thay thế Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp) mới đưa được tình huống một là khi cơ quan ĐKKD ra quyết định thu hồi sai thì phải hủy cái quyết định đó đi, điều đó thì đương nhiên là như thế rồi. Trong khi tình huống hai thực tế lại nhiều hơn và cần hơn rất nhiều là có trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi GCNĐKDN rồi, thu đúng rồi nhưng Doanh nghiệp người ta khắc phục được vi phạm, hậu quả thì nên khôi phục cho GCN ĐKDN cho họ, hủy bỏ cái QĐ thu hồi đó đi .v.v. Tuy việc này, có thể Ban soạn thảo nghị định sẽ có thể gặp khó khăn khi mà Luật Doanh nghiệp 2014 không có ý định cho phép tình huống hai này ? Tuy vậy, kinh nghiệm cho thấy, để phục vụ thực tế sôi động, nóng bỏng của cuộc sống, nhiều nghị định cũng đã phải sửa một số điểm của Luật. Chẳng hạn như khoản 4, điều 16 Luật Doanh nghiệp 2005 nêu hồ sơ ĐKDN cần có Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc và cá nhân khác đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề. Khi thực hiện thấy bất cập quá vì như thế thì nghĩa là bắt buộc Giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề khi kinh doanh ngành nghề đòi hỏi có chứng chỉ hành nghề. Nghị định 139/2007/NĐ-CP đã phải sửa như sau: ... Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không yêu cầu Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề. Rõ ràng, quy định như thế này mềm hơn rất nhiều. Thậm chí Nghị định 139/2007/NĐ-CP còn sáng tạo ra việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH (Luật DN 2005 không quy định việc này) thì có sao đâu ? Vì vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cứ tiếp thu ý kiến này (tình huống hai về thu hồi nêu ở trên), sau đó nếu cần thiết thì giải trình thêm với Chính phủ.

Ngày 07/9/2011, khi làm việc với Ông Richard G. Shaw một chuyên gia có uy tín lâu năm về Đăng ký kinh doanh đến từ Canada, chúng tôi có hỏi về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo yêu cầu của một cơ quan khác. Ông này có cười và nói rằng, việc yêu cầu có thể là quyền của người ta, còn nhất định việc thu hồi là phải theo Luật (doanh nghiệp) của mình. Thiết nghĩ, cũng cần phải nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế và đã đến lúc chúng ta cần tìm một khái niệm rõ ràng, rằng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là gì ? thu hồi để làm gì?

Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng ĐKKD tỉnh Hải Dương

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành