Lê Xuân Hiền
Trưởng phòng ĐKKD - Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương
Đã có không ít người hiểu rằng sau ngày 01/7/2015, cứ ngành, nghề không cấm là doanh nghiệp được tự do kinh doanh, không phải đăng ký, tuân thủ quy định nào. Nhưng thực tế lại không phải như vậy.
1. Quy định mới về ngành, nghề kinh doanh
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp vẫn phải ghi ngành, nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và mỗi khi thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh vẫn phải gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh, chỉ không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nghĩa là hồ sơ do doanh nghiệp kê khai vẫn phải ghi ngành, nghề kinh doanh như cũ, cái mới chỉ khác là không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp.
Tìm hiểu thoáng qua thì quy định mới này tưởng chừng như không khác với quy định cũ nhưng thực sự quy định mới đã có những thay đổi mang tính cách mạng. Trước kia, doanh nghiệp nhất định phải có ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp rồi mới được hoạt động kinh doanh ngành, nghề đó. Theo quy định mới, khi doanh nghiệp thấy có cơ hội kinh doanh, đồng thời thấy mình đáp ứng được điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp có thể tiến hành kinh doanh ngay. Đồng thời, doanh nghiệp gửi thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh để cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận theo đúng quy định.
Theo quy định mới, khi doanh nghiệp muốn bổ sung ngành, nghề kinh doanh (một trong những nội dung bị thay đổi nhiều nhất) thì chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh mà không phải cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (do giấy này không ghi ngành, nghề kinh doanh). Việc này sẽ rất thuận lợi, nhanh chóng cho doanh nghiệp. Đồng thời, muốn biết doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề gì, trước kia phải lệ thuộc vào nội dung ngành, nghề kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì nay sẽ vô cùng đơn giản, tiện lợi, chỉ cần truy cập địa chỉ dangkykinhdoanh.gov.vn, nhập tên hoặc mã số doanh nghiệp để tra cứu các thông tin cơ bản của doanh nghiệp, trong đó có thông tin ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đăng ký.
2. Tự do trong khuôn khổ
Từ ngày 01/7/2015, doanh nghiệp sẽ không phải nộp chứng chỉ hành nghề, văn bản xác nhận vốn pháp định khi đăng ký doanh nghiệp. Đây được đánh giá là quy định thông thoáng và không gây khó khăn khi doanh nghiệp khởi sự kinh doanh. Về phần đăng ký kinh doanh, đây là những cải cách được đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định mới này đòi hỏi phải có sự chấp hành pháp luật đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, khái quát hơn là văn hóa nói chung và văn hóa kinh doanh nói riêng. Tại sao lại đặt ra vấn đề văn hóa khi đang nói về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh? Bởi vì, Luật cũ với nhiều "rào cản" khắt khe về ngành, nghề kinh doanh mà vi phạm về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vẫn còn rất nhiều, cơ quan đăng ký kinh doanh còn thường xuyên bị đánh giá là cấp đăng ký kinh doanh quá dễ dàng, là nguyên nhân khiến doanh nghiệp kinh doanh không tuân thủ quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng rất khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với điều kiện kinh doanh vì khi doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quản lý lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh đó. Giải pháp của việc này có nhiều, trong đó cần đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh; dứt khoát để việc tự chấp hành pháp luật trở thành thói quen thay vì tâm lý bị động, chờ được hướng dẫn, bị nhắc nhở, thậm chí bị phạt mới "miễn cưỡng" chấp hành; nâng cao hiệu quả các kênh giám sát cộng đồng, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, công luận, hội, hiệp hội...; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; làm sao để khâu "hậu kiểm" đạt hiệu quả thực sự khi đã bỏ cơ chế "tiền kiểm".
Hiện nay đang nảy sinh một mâu thuẫn cần phải giải quyết gấp rút và triệt để trong lĩnh vực điều kiện kinh doanh là: cơ quan nhà nước thì luôn bị kêu là đề ra quá nhiều điều kiện kinh doanh cho dễ quản lý nhưng vẫn không nắm được tình hình chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Ngược lại, không ít doanh nghiệp phản ánh rằng hiện nay có quá nhiều điều kiện kinh doanh, giấy phép... rất khó để doanh nghiệp tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành đầy đủ. Việc xin được đầy đủ các điều kiện kinh doanh cũng không đơn giản. Giải pháp ở đây là, cùng với việc chủ động, tích cực cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, Nhà nước cần công bố thật rõ ràng, minh bạch các điều kiện kinh doanh bắt buộc phải duy trì, không thể xóa bỏ được để doanh nghiệp chủ động tiếp cận, cân đối năng lực và mức độ phù hợp của doanh nghiệp để đáp ứng các điều kiện kinh doanh đó; tránh tình trạng xin - cho, rắc rối, phức tạp thường thấy khi tiếp cận các điều kiện kinh doanh. Cần phải thấu hiểu là đặt ra các điều kiện kinh doanh chính là góp phần làm cho doanh nghiệp kinh doanh được lĩnh vực đó, làm cho doanh nghiệp phát triển bền vững chứ không phải là ngăn cản kinh doanh vì doanh nghiệp không đủ điều kiện mà tham gia kinh doanh thì phần thất bại chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Điều đáng nói là hiểu biết về pháp luật của nhiều cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp về khung khổ pháp lý cũ cũng còn yếu, đến nay, với Luật mới, càng hạn chế hơn do có nhiều cải cách mạnh mẽ về pháp lý. Thực tế đó dẫn đến nhiều hậu quả, ví dụ như việc doanh nghiệp căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được cấp (mà nay là Giấy xác nhận ngành nghề) để giải thích rằng do phòng đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp được hoạt động trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đó. Khi doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác như môi trường, y tế, giáo dục... thì phòng đăng ký kinh doanh phải chịu trách nhiệm liên đới. Không những thế, điều đáng nói và nguy hại hơn là dường như rất nhiều người thấy doanh nghiệp vi phạm về điều kiện kinh doanh thì không biết phản ánh với cơ quan nhà nước nào để được xử lý. Thậm chí, có trường hợp giám đốc doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp được đăng ký ngành nghề thu gom, tái chế phế liệu, phế thải rồi, thế là hợp lệ, hợp pháp rồi, đương nhiên doanh nghiệp được thực hiện thu gom, tái chế phế liệu, phế thải mà không bị hạn chế, quản lý bởi các quy định và cơ quan quản lý khác. Tất nhiên, cơ quan đăng ký kinh doanh cũng sẽ giải thích được nhận thức đó là không đúng nhưng những hạn chế về nhận thức này làm mất nhiều thời gian của các bên và tạo nên bức xúc cho nhiều người, thậm chí một số báo chí cũng lên tiếng bênh vực những cách hiểu sai về quy định pháp luật.
Khoản 1 điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014 đã hiện thực hóa một cách đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc Hiến định là người dân được tự do kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, “tự do” ở đây không được hiểu theo nghĩa doanh nghiệp (trong và ngoài nước) có thể kinh doanh bất cứ ngành nghề nào mà không gặp "rào cản" gì khác. Luật Đầu tư 2014 quy định 267 ngành, nghề không thuộc danh mục cấm đầu tư, kinh doanh nhưng lại có điều kiện. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế kinh doanh trong một số lĩnh vực. Doanh nghiệp luôn phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định của Pháp luật và phải bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư, kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Ví dụ, với ngành, nghề kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp 2014 không yêu cầu doanh nghiệp phải có xác nhận vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp như trước, nhưng khi doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này đương nhiên phải đủ vốn pháp định là 20 tỷ đồng theo quy định tại khoản 1, điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13. Tương tự như vậy, có rất nhiều điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp bắt buộc phải có thì mới được kinh doanh như khám chữa bệnh, mua bán dược phẩm, nhóm ngành, nghề về thiết kế, giám sát, khảo sát, quy hoạch xây dựng, nhóm ngành, nghề về môi giới như môi giới lao động, việc làm, môi giới bất động sản .v.v.
Việc chủ động tìm hiểu và chấp hành các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nhà nước phải quy định rõ ràng và phải hỗ trợ pháp lý đến mức cao nhất để doanh nghiệp có thể tìm hiểu được ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, nhưng doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tìm hiểu và nghiêm túc chấp hành. Luật Đầu tư 2014 quy định: “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia”.
Thực tế hơn một tháng triển khai Luật Doanh nghiệp 2014 ghi nhận, khi được đăng ký tất cả những gì mà pháp luật không cấm mà không có bất cứ yêu cầu trước đăng ký kinh doanh nào như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ đăng ký thêm rất nhiều ngành, nghề kinh doanh mà trước kia đòi hỏi phải có điều kiện trước khi đăng ký. Thậm chí đã có doanh nghiệp có thành tố ngành, nghề kinh doanh chính trong tên doanh nghiệp ghi là xây dựng nhưng lại đăng ký một loạt ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực bệnh viện, phòng khám đa khoa, nhà thuốc, buôn bán dược phẩm, phẫu thuật thẩm mỹ…
Có thể thấy rằng tâm lý chạy theo xu thế nhất thời được thể hiện rất rõ. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký rất nhiều ngành, nghề kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác nhau mà không có bất cứ sự liên quan, hỗ trợ gì cho nhau. Xét về luật thì việc đăng ký này không vi phạm pháp luật nhưng trên thực tế, xu hướng này cho thấy những doanh nghiệp đó chưa có một chiến lược xuyên suốt, đăng ký ngành, nghề kinh doanh theo kiểu "đi câu". Một doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể vừa sản xuất kinh doanh dệt may lại đồng thời hoạt động kinh doanh bất động sản, khai thác mỏ quặng, kiêm vận tải đường sắt, đường bộ, đường không, kinh doanh dịch vụ văn phòng, và nhiều lĩnh vực khác nữa…
Nguyên nhân của việc những việc như trên có nhiều. Trong đó có lẽ phải nói đến văn hóa kinh doanh của chúng ta chưa hình thành rõ nét. Nhìn lại bối cảnh lịch sử, sau đổi mới thì chúng ta mới có được đội ngũ doanh nghiệp ngoài quốc doanh, “già” lắm thì cũng đến 30 tuổi, có đến gần 80% là từ 1 đến 10 tuổi, "non trẻ" nên nhất định còn phải học hỏi nhiều, vấp váp nhiều. Về phía nhà nước thì có thể nói bỏ tiền kiểm thì thực hiện tốt rồi nhưng khâu hậu kiểm còn rất nhiều vấn đề. Một trong những nguyên tắc của hậu kiểm là: Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp phải được phân định rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể. Các cơ quan nhà nước quản lý doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, nghề chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước; mỗi cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực tương ứng.
Ngày 28/5/2015, Liên bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV ban hành quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Các địa phương, trong đó có Hải Dương đang tích cực triển khai, cụ thể hóa thành quy chế phối hợp cho sát với tình hình của mình. Hy vọng, trong thời gian tới, với hàng loạt các giải pháp đồng thời được thực hiện, các doanh nghiệp sẽ chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, trong đó có các quy định về điều kiện kinh doanh./.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Trương Thanh Sơn Công ty CP Việt Tiên Sơn Địa Ốc Sinh nhật: 03/11/1966
|
Nguyễn Xuân Thắng Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 10/11/1977
|
Nguyễn Trọng Tiến Cục thuế tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 20/11/1973
|
Phạm Đức Thắng Công ty cổ phần sản xuất Vita Sinh nhật: 27/11/1981
|
Nguyễn Thị Thoa Công ty TNHH TM và DV Quà tặng Thành Đông Sinh nhật: 05/11/1990
|
LÊ XUÂN THANH Teckcombank chi nhánh Hải Dương Sinh nhật: 02/11/1979
|
VŨ KHẮC KHƯƠNG Công ty TNHH Vĩnh Hà HD Sinh nhật: 03/11/1974
|