PHÁT TRIỂN HỘI VIÊN Thứ 4, 20/06/2012 7:08 GMT+7

Doanh nghiệp lên kế hoạch cho thời thai sản 6 tháng

Ngay sau khi Quốc hội đồng ý tăng thời gian nghỉ sinh của lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng từ 1/5/2013, nhiều doanh nghiệp đã nghĩ tới nhiều phương án ứng phó với tình trạng hổng nhân sự.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần may Hồ Gươm cho biết việc hổng nhân sự 6 tháng tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với những đơn vị có tỷ lệ nhân viên nữ cao như ngành may mặc.

Bà Lan khẳng định vì quyền lợi người lao động doanh nghiệp sẽ không làm trái luật. Nhưng ngay từ bây giờ, đơn vị này đã lên kế hoạch bù lấp nhân sự, đồng thời có chính sách khuyến khích nữ lao động đi làm trước hạn nếu họ sẵn sàng. Nếu nhiều chị em cùng xin nghỉ sinh vào chính vụ sản xuất, công ty sẽ tuyển dụng lao động mới.

Doanh nghiệp lo bù lấp nhân sự khi nữ lao động nghỉ sinh 6 tháng. Ảnh minh họa.

"Doanh nghiệp cũng khó nhưng cam kết đảm bảo quyền lợi của lao động, con có cứng cáp, mẹ đi làm mới yên tâm. Trong thời gian chị em mang bầu 9 tháng, công ty sẽ tính toán và bố trí nhân sự", bà Lan nói.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết sẽ tuyển lao động mới để lấp chỗ trống khi nhân viên nghỉ thai sản. Đặc thù của lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng đa phần là lao động phổ thông nên không khó tuyển dụng, đào tạo. Với những vị trí chính, người đi làm sẽ kiêm nhiệm công tác cho nhân viên nghỉ sinh con.

Theo bà Hậu, cách làm đó vừa không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo quyền lợi của chị em. Bởi khi nữ nhân viên quay trở lại làm việc, nguồn lao động dự trữ đã "thế chân" trước đó sẽ được luân chuyển sang vị trí mới do "hệ thống mở rộng liên tục" - bà nói.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Tiến Thịnh, Giám đốc Kinh doanh của Công ty cổ phần tư vấn và quản trị doanh nghiệp Tinh Vân cho rằng, đứng ở góc độ doanh nghiệp, chế độ thai sản mới có thể gây khó. Thực tế, thời gian nghỉ sinh 4 tháng hiện nay đã khiến nhiều đơn vị đau đầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới thì chính sách này mang ý nghĩa xã hội, được người dân đồng tình. Theo đó, ông Thịnh cho rằng, ngay từ bây giờ - trước thời điểm áp dụng chế độ thai sản mới khoảng một chu kỳ mang thai, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược, định vị lao động để thích nghi và có phương án dự trữ nhân viên.

Một số giải pháp được ông Thịnh đưa ra như khuyến khích người lao động đi làm trước hạn, làm nửa ngày để hưởng 2 lương là lương sinh con và doanh số sản phẩm; tính toán, tuyển nhân sự mới thay thế; luân chuyển người giữa các bộ phận để giảm thiểu mức độ thiệt hại...

Chiều ngày 18/6, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo đó, từ ngày 1/5/2013, lao động nữ được nghỉ sinh 6 tháng thay vì 4 tháng như hiện nay. Dự kiến, thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành hơn 20 nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật mới.

Mặc dù không doanh nghiệp nào nói ra, nhưng các chuyên gia về lao động việc làm lo ngại chính sách này sẽ tạo ra một số "ổ gà" đối với người lao động bên cạnh nhưng lợi ích lớn đã thấy rõ. Đó là số lượng doanh nghiệp yêu cầu nhân viên cam kết thời gian sinh đẻ sẽ tăng lên, nữ lao động khi đi làm trở lại nguy cơ bị xếp vào vị trí mới, thậm chí sa thải.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 29/5, ông Mark Gillin, Phó chủ tịch AmCham Việt Nam cho rằng những quy định trong Luật lao động như làm thêm ở mức 200 giờ mỗi năm và nghỉ thai sản 5-6 tháng khiến năng suất của doanh nghiệp thấp. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam, giới hạn mục tiêu cải thiện điều kiện lao động và khó thu hút đầu tư FDI. Minh chứng được ông Mark Gillin đưa ra là, tăng trưởng năng suất trung bình hàng năm giữa năm 2007 và 2009 là 0%.

Phan Văn Hải sưu tầm

Nguồn:vnexpress.net

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành