PHÁT TRIỂN HỘI VIÊN Thứ 2, 07/05/2012 0:30 GMT+7

Doanh nghiệp thực sự muốn gì từ Chính phủ?

(Dân trí) - Cơ quan đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp VCCI cho biết, điều cần thiết mà Chính phủ cần làm hiện nay là giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí đầu vào và giải quyết được thị trường đầu ra trong bối cảnh cầu trong nước xuống rất thấp.

Do không thể tung ra gói kích cầu tương tự năm 2009 nên Chính phủ cần nhiều giải pháp hơn để cứu đúng đối tượng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Trong báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình lên Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ tháng 4 ngày 3-4/5 vừa rồi, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, trong năm 2011 và đặc biệt là quý I năm nay, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng xấu đi, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận, doanh số, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng máy móc và số lượng lao động.

Doanh nghiệp gia nhập - rút lui khỏi thị trường là bình thường!

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất và giải thể trong năm 2011 và quý I/2012 chiếm 8,4% (trong đó ngừng sản xuất chiếm 4,3% và giải thể là 4,1%).

Tuy nhiên, bản báo cáo của cơ quan đại diện cho tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp cũng khẳng định, “việc doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường”.

Tại các nước phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể ngay trong 3 năm đầu sau khi thành lập là khoảng 25-30%. Ở nước ta, do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung còn thấp, nên trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao là điều dễ hiểu – VCCI nhìn nhận.

Theo thống kê của cơ quan này, phần lớn các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể là do kinh doanh thua lỗ. Và việc một số doanh nghiệp ngừng hoạt động hay giải thể một cách chủ động do yêu cầu của quá trình tái cấu trúc.

Số liệu khảo sát của VCCI cho hay, có khoảng 17% số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 4,4% số các doanh nghiệp giải thể là để chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh. Gần 4,7% số doanh nghiệp giải thể là để mua bán sáp nhập với các doanh nghiệp khác. Đáng chú ý là 10,3% số các doanh nghiệp giải thể để thành lập doanh nghiệp mới.

Một điều đáng lưu ý nữa là trong khi tỷ lệ doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước ngừng hoạt động hoặc giải thể chiếm tới trên 9,2% thì khu vực FDI chỉ có gần 2,6%. Theo lý giải của VCCI, nguyên nhân do do khu vực FDI gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, có thị trường tiêu thụ ổn định, có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ với chi phí thấp, có khả năng quản trị kinh doanh bài bản nên có khả năng trụ vững tốt hơn.

Hé lộ về triển vọng kinh doanh năm 2012, VCCI cho biết, có 31,5% là thu hẹp quy mô kinh doanh và một bộ phận trong số này có thể sẽ phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Con số đáng mừng là trong quý I, vẫn có hơn 18.700 doanh nghiệp mới được thành lập. Như vậy là tuy bối cảnh kinh tế rất khó khăn và sự lạc quan có phần giảm sút nhưng phần lớn các doanh nghiệp sẽ vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, một bộ phận doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô.

Lo ngại về suy giảm kinh tế và thiểu phát là có cơ sở, song theo như báo cáo trên của VCCI, bức tranh trước mắt không phải quá ảm đạm. Ngoại cảnh khó khăn cũng là điều kiện để khiến quá trình sàng lọc và tái cơ cấu doanh nghiệp được đẩy mạnh hơn.

VCCI cho rằng, để tránh tăng chi phí dồn dập mà trước mắt đối với doanh nghiệp, Chính phủ không nên áp dụng các loại phí mới trong đó có phí hạn chế phương tiện giao thông.

Giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ giải quyết đầu ra

Theo đánh giá chung của VCCI thì hiện nay “tình hình chung của các doanh nghiệp là rất khó khăn”.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, chủ yếu do chi phí nguyên nhiên vật liệu và giá vốn cao và khó khăn về thị trường tiêu thụ thu hẹp do sức mua giảm mạnh. Điều này khiến lượng hàng tồn kho lớn và tập trung chủ yếu ở một số ngành như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo,thương mại, vận tải kho bãi…

Cơ quan đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các nỗ lực điều hành chính sách của Chính phủ tập trung vào việc giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ giải quyết vấn đề thị trường đầu ra song song với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo đề xuất của VCCI, Chính phủ nên chú ý rà xét, xác định rõ và trợ giúp kịp thời các doanh nghiệp có tiềm năng về năng lực cạnh tranh và các dự án có hiệu quả (thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi quy mô) nhưng đang gặp phải những khó khăn tạm thời để doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển.

Trong 6 nhóm giải pháp lớn mà VCCI đề xuất lên Chính phủ, cơ quan này cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp, đặc biệt là giá điện, nước, than, xăng dầu, chi phí xuất nhập khẩu tại cảng... Đồng thời có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ trên một cách hợp lý để tránh tăng chi phí dồn dập mà trước mắt là không áp dụng các loại phí mới như: phí hạn chế phương tiện giao thông, xem xét giảm phí công đoàn…

Với việc phát hành trái phiếu và tín phiếu hiện nay, theo VCCI, giải pháp này cung cấp một đầu ra an toàn cho các ngân hàng thương mại nhưng lại làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp và không giúp làm cho lãi suất giảm một cách tương ứng với tốc độ giảm của lạm phát. Vì vậy, cơ quan này đề nghị nên hạn chế phát hành nợ của Chính phủ để giảm sự chèn lấn đối với nợ của khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình.

Đi cùng với những phương án giảm lãi suất, VCCI còn đề nghị sớm thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo nguồn vốn đề ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay đối với các DNNVV. Triển khai mô hình cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp cực nhỏ (dưới 10 lao động) có kế hoạch kinh doanh khả thi và có các tiêu chí định mức tín nhiệm tin cậy với sự hợp tác của các hiệp hội. Mở rộng hình thức cho vay thế chấp bằng sản phẩm của các doanh nghiệp.

Những đề xuất của VCCI đã được trình ra Chính phủ và một số nội dung quan trọng sẽ phải được Quốc hội thông qua. Hôm nay, tại phiên thảo luận thứ 8, Thường Vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu thẩm tra về gói giải pháp 29.000 tỷ đồng do Bộ Tài chính đề xuất. Chưa chắc chắn rằng những giải pháp đã nêu sẽ được áp dụng và có tác động như thế nào đến cacs doanh nghiệp, song cho thấy Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã thể hiện sự “nôn nóng, sốt ruột” trước tình trạng đình đốn và sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay.

Bích Diệp



 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành