Tồn tại hay không tồn tại (to be or not to be)?
Câu nói nổi tiếng này thể hiện những phút giây đau đớn, bi quan, hoài nghi, do dự ... trong tâm hồn hoàng tử Đan Mạch Hamlet - nhân vật trung tâm vở bi kịch cùng tên của nhà văn, nhà soạn kịch vĩ đại người Anh Willlam Shakespeare (1564-1616). Rất tiếc, sau đó 5 thế kỷ, đó lại là tâm trạng của nhiều doanh nhân trên cả địa cầu, trong đó có Việt Nam. Một sự so sánh tuy hơi khập khiễng, nhưng cũng đủ để biết doanh nghiệp, doanh nhân đang gặp khó đến mức nào. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Doanh nghiệp, doanh nhân đang gặp khó khăn nhất trong hơn 20 năm đổi mới. Hàng tồn kho lớn, sức tiêu thụ hàng hóa quá yếu, sản xuất - kinh doanh đình đốn dẫn đến nợ quá hạn, nợ quá hạn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu, khả năng hấp thụ vốn rất kém... Nền kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt với 3 nghịch lý chưa từng có: 1) Lạm phát và nhập siêu giảm nhưng lại là dấu hiệu lo ngại; 2) Ngân hàng thừa thanh khoản nhưng doanh nghiệp lại "đói" vốn; 3) Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất trong nhiều văn kiện, nhưng triển khai chưa được nhiều.
Trưởng phòng ĐKKD tỉnh Hải Dương (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương)
Nguyên nhân do đâu?
Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - TS. Trần Đình Thiên cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng này là do sự tích tụ khó khăn từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới bắt đầu. Lạm phát cao dẫn tới lãi suất cao kéo dài quá lâu gây nên bất ổn vĩ mô kéo dài. Điều này khiến cho cả doanh nghiệp và người dân đều khốn đốn. Bất ổn cao thì đầu tư khó, nhưng đầu cơ tăng lên. Tình trạng của mấy năm vừa rồi là như thế. Sức mua giảm thì hàng tồn kho tăng cao. Trong khi lãi suất cao đánh trúng “đầu vào” của doanh nghiệp, thì ách tắc ở khâu tiêu thụ đánh trúng “đầu ra”. Thị trường thế giới không sôi động, còn thị trường trong nước cực kỳ khó khăn. Doanh nghiệp bị khó cả hai đầu. Còn nhiều những nguyên nhân khác nữa, có nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ nội tại nền kinh tế trong nước đến sự ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, nguyên nhân từ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và chính sách của Nhà nước ...
Xử lý thế nào ?
Nhiều ý kiến đã được tham vấn để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Viet Nam Net ngày 02/8/2012 đăng bài của TS Alan Phan (một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc) đưa một góc nhìn khác: Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị lên là "đừng làm gì cả". Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tự ứng xử. Trong sáng tạo và hồi sinh sẽ có mồ hôi và nước mắt. Trong quá trình trưởng thành, các em thường phải chịu nhiều gian truân đau đớn. Vài em sẽ không qua khỏi. Nhưng đây là định luật của thiên nhiên. Và cũng có không ít người tỏ ra tán đồng với ý kiến này ...
Tuy đây là một ý kiến đáng để suy ngẫm, nhưng chúng ta quyết định tập trung "cứu" doanh nghiệp, vì đó chính là "cứu" cho cả nền kinh tế, trên cơ sở thấu hiểu sâu sắc rằng các hệ lụy xã hội do tình trạng doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt bao giờ cũng rất lớn và khó lường... Chúng ta thử hình dung, nếu các doanh nghiệp đóng cửa, bị ốm, bệnh mà không được cứu chữa, để "chết" hàng loạt thì cơ sự sẽ thế nào? Ai nộp thuế, ai sử dụng lao động, ai lao tâm khổ tứ, ai bôn ba làm ăn trên thương trường trong nước và quốc tế .v.v. và khi đó có lẽ vấn đề không chỉ còn là kinh tế, lớn hơn đó là sự ổn định của tình hình chính trị - xã hôi và vị thế quốc gia.
Vui mừng vì trong lịch sử 81 năm của Đảng, lần đầu tiên Đảng ta có một nghị quyết về phát huy vai trò doanh nhân bằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện. Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ nêu: ... tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường... là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW. Tỉnh cũng đã tích cực, quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực và cũng đã thu được những kết quả bước đầu. Hiện tại, liên quan đến vốn, có thể tạm chia các doanh nghiệp thành hai đối tượng: 1) Đối tượng thứ nhất nên tìm cách hỗ trợ thêm là đối tượng chủ yếu kinh doanh bằng nguồn vốn ít ỏi của mình, tự tìm thị trường. Từ lâu, họ đã không tìm tới ngân hàng để vay tiền với giá vốn quá cao, số này không nhiều về số lượng và không lớn về quy mô. 2) Đối tượng thứ hai chủ yếu kinh doanh bằng vốn vay ngân hàng lại được tiếp tục chia làm hai: 2.1) Rất cần cứu các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển (cả hiện tại lẫn tương lai), vì nếu được cứu sẽ có lợi cho nền kinh tế. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, Nhà nước phải tìm ra phương thức để cứu "các doanh nghiệp tốt nhưng đang đứng trước nguy cơ bị "chết oan" do khó khăn chung". 2.2) Ngược lại không nên cứu các doanh nghiệp không có khả năng phát triển, vì rất khó cứu mà nếu cứu được cũng ít tác dụng. Đồng thời với vốn, chúng ta đang tích cực triển khai các giải pháp giải phóng hàng tồn kho, xử lý nợ, tăng cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, tái cấu trúc doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước...
Tinh thần của người lính và Niềm tin của nhân dân!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng giới doanh nhân cần mang trong mình tinh thần của người lính để vượt khó khăn, thử thách. Mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết: Chúng ta phải làm mọi điều có thể để trong ngắn hạn phải ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại sự hưng phấn trong phát triển kinh tế cũng như niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp. Không có niềm tin thì người dân, doanh nghiệp, cả nhà đầu tư nước ngoài không ai dại gì đầu tư, kinh doanh để phải chấp nhận rủi ro. Bài học trong suốt 67 năm qua là khi nào có niềm tin của nhân dân thì dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng nhất định vượt qua và vươn tới.
TS Patrick Dixon – Chủ tịch Global change là một trong 20 nhà tư tưởng quản trị xuất sắc nhất thế giới, trong hội thảo quốc tế “Dự báo chính sách kinh tế vĩ mô VN, tư duy chiến lược của nhà quản trị 2013 – 2015” tổ chức mới đây tại Hà Nội cho rằng vấn đề số một mà nhân loại đang cần hiện nay – đó là niềm tin. Bởi theo ông “nỗi sợ hãi” đang lan tràn từ Châu Âu sang Châu Á, Châu Mỹ… với quá nhiều các tin tức xấu như: số lượng các doanh nghiệp phá sản, lạm phát tăng cao, đời sống khó khăn… Ông nhấn mạnh “nếu không có được niềm tin, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu, nhà DN không chịu đầu tư… sẽ không có được lối thoát cho nền kinh tế”.
Tồn tại !
Khác hẳn với chàng hoàng tử Hamlet đơn độc kia, trong lúc khó khăn, thách thức này, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp nhất định sẽ cùng nhau nỗ lực vượt khó cao hơn, đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Bằng nhiều cách, dù nhỏ như mỗi người Việt Nam luôn luôn mua hàng, dùng dịch vụ ... của người Việt, do Doanh nghiệp Việt sản xuất, cung cấp, phân phối ... Lớn hơn thì cùng trăn trở, chia sẻ, suy tư, đồng hành và có nhiều hơn những hành động cụ thể, thiết thực và quyết liệt thực hiện bằng được để giúp doanh nghiệp, cũng chính là tự giúp mình.
Trong họa luôn có mầm của phúc, qua đây chúng ta ngộ ra được nhiều bài học quý giá và hiểu sâu sắc rằng kinh doanh trong nền kinh tế thị trường rõ ràng có muôn vàn cơ hội nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. TS Patrick Dixon nhấn mạnh “Thời kỳ suy thoái là một cơ hội lý tưởng để đối mặt với các vấn đề cố hữu, để đóng cửa những đơn vị kinh doanh không hiệu quả, loại bỏ những công việc mà nhiều người đặt quá nhiều cảm xúc và thời gian cho chúng và giữ nguyên vẹn đội hình là sức mạnh lớn lao nhất mà Công ty bạn có trong vòng 5 năm tới. Sau cơn bão lớn, sẽ phải cùng nhau sắn tay dọn dẹp nhiều thân cây bị đốn ngã, những thân cây nào còn tồn tại, dù cho xơ xác lá cành đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình, nhất định sẽ vươn lên mạnh mẽ. Những thân cây đau đớn phải mãi nằm xuống sẽ dành đất cho những mầm sống mới, theo quy luật, cái chết nhiều khi cũng là khởi nguồn cho sự sống mới. Trong bài phỏng vấn đăng trên báo Tiền phong Xuân Quý Tỵ, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Cơ hội lớn nhất hiện nay là nói thật và làm thật, vì muốn có che dấu cũng không được. Tất cả bệnh tật đã lộ ra rồi. Vấn đề còn lại là xử lý từng căn bệnh ra sao, cái nào trước, cái nào sau.
Quy luật vĩnh cửu nhất chính là quy luật của tự nhiên, Mùa Đông băng giá sẽ qua đi và khi bài báo này đến với Quý bạn đọc kính mến thì Mùa Xuân tươi đẹp đã đến với dân tộc Việt Nam yêu dấu. Tất cả chúng ta đều chia sẻ, đều cầu chúc và có cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng doanh nghiệp Hải Dương, doanh nghiệp Việt Nam nhất định sẽ tồn tại và phát triển, như mùa Xuân ấm áp, mùa của đâm chồi, nảy lộc, muôn hoa đua nở và phước lành./.
Lê Xuân Hiền
Trương Thanh Sơn Công ty CP Việt Tiên Sơn Địa Ốc Sinh nhật: 03/11/1966
|
Nguyễn Xuân Thắng Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 10/11/1977
|
Nguyễn Trọng Tiến Cục thuế tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 20/11/1973
|
Phạm Đức Thắng Công ty cổ phần sản xuất Vita Sinh nhật: 27/11/1981
|
Nguyễn Thị Thoa Công ty TNHH TM và DV Quà tặng Thành Đông Sinh nhật: 05/11/1990
|
LÊ XUÂN THANH Teckcombank chi nhánh Hải Dương Sinh nhật: 02/11/1979
|
VŨ KHẮC KHƯƠNG Công ty TNHH Vĩnh Hà HD Sinh nhật: 03/11/1974
|