MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Thứ 2, 29/07/2013 0:21 GMT+7

Giảm thuế thu nhập để tiếp sức cho doanh nghiệ

Việc giảm thuế TNDN từ 25% xuống còn 20% được coi là một giải pháp quan trọng, tiếp sức cho DNNVV để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong ảnh: HTX Cơ điện Tam Giang ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) chuyên sửa chữa và mua bán các loại động cơ điện, duy trì sản xuất ổn định

 

Doanh nghiệp hồ hởi

Bà Trần Thị Thu, Giám đốc Công ty CP Tin học Sao Đỏ (TP Hải Dương) cho biết: “Thuế suất thuế TNDN theo quy định mới chỉ còn 20% là sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động của các DNNVV. Thời gian vừa qua, do khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những đơn hàng mới rất hiếm, hàng hóa ế thừa, trong khi đó lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao kéo dài cộng với thuế TNDN lên tới 25% khiến doanh nghiệp nhiều lúc tưởng như kiệt sức. Năm 2012, doanh thu của công ty đạt 5 tỷ đồng, trong đó các khoản thuế phải nộp khoảng 100 triệu đồng. Từ ngày 1 - 7, khi thuế TNDN giảm còn 20%, chúng tôi rất hào hứng và chờ đợi hiệu ứng tích cực từ nền kinh tế. Bên cạnh việc được hưởng lợi trực tiếp, chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp khác được hồi phục. Khi đó, mức tiêu thụ hàng hóa tăng lên sẽ kéo theo sự tăng trưởng chung của nền kinh tế”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Thăng, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thăng Long (TP Hải Dương) cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng. Chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Doanh thu năm 2012 của doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 8 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2013, tình hình cũng không khả quan hơn khi doanh thu mới đạt gần 4 tỷ đồng. Mặc dù 2 quý đầu năm 2013, doanh nghiệp chưa phát sinh thuế TNDN, nhưng quyết định giảm sắc thuế này cho các DNNVV có thể sẽ giúp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc hơn. Nền kinh tế ổn định và phát triển, các doanh nghiệp ăn nên làm ra sẽ sử dụng dịch vụ của chúng tôi nhiều hơn, khi đó doanh nghiệp chúng tôi cũng được hưởng lợi".

Theo ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hải Dương, toàn tỉnh hiện có gần 6.400 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có trên 4.300 doanh nghiệp đang hoạt động. DNNVV chiếm khoảng 80% tổng số doanh nghiệp. Hầu hết những doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, doanh thu trung bình 1 năm chỉ đạt từ 10 - 13 tỷ đồng. Qua khảo sát của hiệp hội, từ đầu năm đến nay có khoảng 85% số DNNVV không phát sinh thuế TNDN. Điều này chứng tỏ tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa hồi phục. Việc các doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế TNDN, thuế GTGT và giảm thuế TNDN xuống còn 20% sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Vẫn cần nhiều sự hỗ trợ


Ông Nguyễn Đức Khoáng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó đã có những ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp như: gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN phát sinh phải nộp quý I và gia hạn 3 tháng thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN phát sinh phải nộp quý II và quý III năm 2013. Việc giảm thuế TNDN xuống còn 20% cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ  là biện pháp tiếp theo của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo ông Khoáng, mặc dù việc giảm thuế TNDN cho các DNNVV sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước (mặc dù phải hết quý III năm 2013 mới có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng), nhưng cái được lớn nhất của chính sách này là tác động dây chuyền giữa các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Những doanh nghiệp đang ổn định có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Lúc đó, nhu cầu về nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn tái đầu tư ổn định sản xuất. Quan trọng nhất là các DNNVV có tâm lý lạc quan, tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Tuy nhiên, ý kiến của nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, bên cạnh việc thực hiện những chính sách ưu đãi về thuế, Nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách kinh tế thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đức Thăng, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thăng Long cho biết: "Điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp chúng tôi hiện giờ là thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất vẫn quá cao trong khi doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Nếu được giảm tiền thuê đất và tiếp tục gia hạn thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sẽ có điều kiện phát triển”.

Trong hội nghị tổng kết 1 năm hợp tác toàn diện giữa Hiệp hội DNNVV với ngành ngân hàng vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội DNNVV huyện Kinh Môn cho rằng, hằng năm các DNNVV có những đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước và tạo hàng vạn việc làm cho người lao động, nhưng vị trí và vai trò của các DNNVV vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách dài hơi hơn nữa về vốn, lãi suất, thủ tục hành chính... để các doanh nghiệp ổn định và an tâm sản xuất. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc làm thủ tục chuyển từ sổ đỏ sang sổ hồng; hàng hóa tồn kho, giá cả đầu vào tăng cao... là những khó khăn trực tiếp ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, rất cần các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ.

VỊ THỦY

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành