TIN TỨC TỔNG HỢP Thứ 2, 06/04/2015 7:02 GMT+7

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng

(DĐDN) - LTS: Chỉ số tăng trưởng GDP trong quý I năm 2015 cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Trong bài viết dành riêng cho DĐDN, ông Cao Viết Sinh - Tổ trưởng Tổ công tác vĩ mô liên ngành khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hi vọng sẽ chấm dứt “thập kỷ bất ổn” về kinh tế vĩ mô và chuyển tới giai đoạn nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Kinh tế quý 1/2015 có nhiều điểm sáng, tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. 6,03% con số này đã được rà soát kỹ bởi Tổ liên ngành kinh tế vĩ mô, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành khác.  Và đây là con số thực dựa trên cơ sở cách tính khoa học theo thông lệ quốc tế, điều này phản ánh rõ nét nền kinh tế Việt Nam chấm dứt thời kỳ bất ổn chuyển sang chu kỳ phục hồi và tăng trưởng.

Tăng nhờ các ngành kinh tế trọng điểm

Phải nói rằng, GDP quí 1 tăng chủ yếu là do tăng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và  hầu hết các ngành nghề kinh doanh. Điều này khẳng định nền kinh tế nước ta đang dần phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tăng khá mạnh; lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ cũng đạt được nhiều kết quả tích cực…

Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 ước đạt 6,03%, cao hơn mức tăng 5,06% cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, lạm phát thấp chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh từ cuối năm 2014, làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giá bán giảm nên không liên quan đến tổng cầu.

Có nhiều ý kiến con số GDP chưa sát với thực tế, song Tổ công tác liên ngành kinh tế vĩ mô đã phối hợp chặt chẽ các Bộ, ngành tính toán, kiểm chứng qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và các chỉ tiêu khác để xác định tính chính xác của chỉ số tăng trưởng.

Trước hết, ngay báo cáo của Bộ KH - ĐT cho thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,35%, đóng góp 2,82 điểm % tăng trưởng, có mức tăng cao nhất so các năm từ  2011 - 2014. Trong đó,  ngành công nghiệp tăng 9,01%, đóng góp 2,61 điểm % tăng trưởng.

Khu vực dịch vụ tăng 5,82%, đóng góp 2,36 điểm. Chỉ số sản xuất của điện thoại di động tăng 105%, ôtô tăng 52,6%, ti vi tăng 38,6%, thức ăn cho thủy sản tăng 27,4%... Giá trị tăng thêm của ngành khai khoáng tăng 6,7% đóng góp 0,53 điểm phần trăm tăng trưởng cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2011 - 2014; sản lượng dầu thô khai thác 4,17 triệu tấn, tăng 9,8%; sản lượng than khai thác 10 triệu tấn, tăng 3,2%.

Như vậy, hầu hết giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ kinh doanh có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước như thương mại tăng 7,11%, đóng góp 0,72 điểm % tăng trưởng; khách sạn nhà hàng tăng 5,9%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Con số GDP quý I tăng trưởng 6,03% đã được rà soát kỹ trên cơ sở cách tính khoa học, theo thông lệ quốc tế. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, tăng chủ yếu là do tăng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo”. 

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,35%, đóng góp 2,82 điểm % tăng trưởng, có mức tăng cao nhất so các năm từ 2011 – 2014

Phân tích các chỉ số trên, chúng ta thấy rõ sự hợp lý của con số tăng trưởng con khi nhìn vào các điểm phần trăm tăng trưởng đóng góp cho GDP. Năm nay, sản lượng điện tăng 12,8% mà điện dùng cho sản xuất năm nay tăng rất mạnh. Thống kê cho thấy điện dùng cho sản xuất của quý I/2015 tăng 17,9%; trong khi điện dùng cho sản xuất quý I/2014 là 13,6%.

Bên cạnh tính chỉ tiêu GDP theo phương pháp sản xuất, Tổng cục Thống kê còn tính theo phương pháp sử dụng, tức là tính theo tích lũy, tiêu dùng và xuất nhập khẩu.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng dịch vụ tăng ở mức 10%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng ở mức 9,2%. Tiêu dùng cuối cùng của quý I năm nay tăng 8,67%, cao nhất so với quý I giai đoạn 2011 - 2014.

Việc tăng giá điện, xăng dầu vừa qua sẽ tác động đến lạm phát quý 2. Theo dự báo chỉ số giá tiêu dùng quý 2 tăng 1 - 1,2%, trong đó mức tăng giá điện đóng góp 0,8%. Theo tôi, trong bối cảnh lạm phát tăng thấp thì phải tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường là điều cần thiết nhưng cần tính toán thời điểm để tránh ảnh hưởng đến mức tăng chung.

Từ những phân tích trên một lần nữa khẳng định mức tăng GDP trong quý 1 là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ và hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam

Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý 1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, tăng trưởng GDP của quí 1/2015  phản ánh rất trung thực các chỉ số của  nền kinh tế. Qua đó, thấy rõ một điều nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng dần phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng tốt hơn kéo theo các ngành kinh tế  trọng điểm khác tăng khá mạnh.

Từ kết quả đạt được của quý 1/2015, kinh tế Việt Nam có thêm cơ sở để khẳng định hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2015, trong đó có mục tiêu tăng trưởng đạt 6,2%; xuất khẩu tăng 10%; kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định về tỷ giá.

Từ khi thành lập Tổ điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ xác định rõ,  các chỉ số này phải được thường xuyên đánh giá để Chính phủ cùng các bộ, ngành chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm cho sự ổn định của kinh tế trong điều kiện nền kinh tế đất nước vận hành theo thị trường…

Như vậy, muốn nền kinh tế phát triển, Chính phủ cùng các Bộ, ngành phải thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN thì tăng trưởng kinh tế năm 2015 có thể đạt 6,3 - 6,5%, cao hơn mục tiêu  đề ra. Bên cạnh việc tổ chức hướng dẫn thi hành các bộ luật quan trọng về đầu tư kinh doanh được ban hành trong năm 2014 như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư vốn nhà nước vào DN… Bộ KH-ĐT đang tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như: hỗ trợ DN cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, tín dụng, hỗ trợ  DN áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ  DN nông nghiệp nông thôn, hình thành các liên kết ngành, phát triển theo chuỗi giá trị.

 Từ kết quả đạt được của quý 1/2015, kinh tế Việt Nam có thêm cơ sở để khẳng định hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2015.

Trọng tâm nhất phải nói tới chính sách hỗ trợ DN tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Năm 2015, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận DN để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mở rộng loại hình cho vay dựa trên tín chấp và phương án kinh doanh. Khuyến khích các ngân hàng thương mại áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm DN để mở rộng cho vay tín chấp đối với các DN có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây…

Chính phủ cũng đề ra nhiều giải pháp phối hợp trong điều hành xuất nhập khẩu và giảm nhập siêu, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy đầu tư phát triển và thống nhất dự báo, tình hình kinh tế vĩ mô quý 2 và cả năm 2015 tiếp tục xu thế ổn định. Cho dù, thời gian tới vẫn có nhiều yếu tố bất lợi, như kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn và giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và xuất khẩu của nền kinh tế..

Giới chuyên gia cũng bình luận trong suốt gần thập kỷ qua, kinh tế vĩ mô Việt Nam luôn trong tình trạng bất ổn bởi các diễn biến như sự mất cân đối nghiêm trọng giữa tiết kiệm và đầu tư, đã đẩy nền kinh tế luôn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công tăng mạnh...

Những thành quả kinh tế đạt được từ năm 2011 tới nay thực sự chưa thực sự bền vững. Năm 2011 - 2013, dù luôn được đánh giá là có chuyển biến tích cực, song một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng vẫn chưa đạt.

Đầu năm 2011, Đại hội Đảng lần thứ 11 đã thông qua mức tăng GDP bình quân 5 năm từ 7 - 7,5% trong giai đoạn 2011-2015. Tại kỳ họp cuối năm 2011, Quốc hội khóa 13 đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 với GDP tăng ở mức khiêm tốn hơn: khoảng 6,5-7%. Nhưng liên tục trong 4 năm qua, con số 6,5% cho GDP của chúng ta chưa một lần đạt được.

Tuy nhiên, với sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và giá cả nhằm đảm bảo thực hiện nhất quán và cân đối các mục tiêu kinh tế vĩ mô, bao gồm tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn và việc làm, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hy vọng sẽ chấm dứt “thập kỷ bất ổn” về kinh tế vĩ mô và chuyển tới giai đoạn nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

10 chỉ tiêu đạt cao hơn so với báo cáo trước Quốc hội:

So với số liệu đã báo cáo với Quốc hội, năm 2014 có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn, trong đó GDP tăng 5,98% (số đã báo cáo là 5,8%); tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 13,7% (đã báo cáo là 12,1%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 30,7% (đã báo cáo là 30,1%); CPI là 1,84% (đã báo cáo khoảng 4,5-4,6%); xuất siêu 1,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (đã báo cáo khoảng 1,01%)...

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 3 và quý I/2015:

* Lạm phát (CPI) tháng 3 tăng 0,15%, 3 tháng giảm 0,1%.

* Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,25% (cùng kỳ năm trước giảm 0,57%).

* Tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 30,4% GDP (cùng kỳ đạt 28,4%), tăng 9,1% so với cùng kỳ.

* Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 3,05 tỷ USD, tăng 7%

* Vốn ODA giải ngân tăng 10,7%.

Cao Viết Sinh
Tổ trưởng Tổ công tác vĩ mô liên ngành

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành