Mặc dù các ngân hàng đã triển khai hàng loạt các gói tín dụng có mức lãi suất hấp dẫn, nhưng tăng trưởng dư nợ khối doanh nghiệp hiện vẫn rất khó khăn.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về trần lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Các TCTD ưu tiên áp dụng mức lãi suất tốt nhất đối với khách hàng truyền thống, khách hàng có khả năng hồi phục sản xuất, khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 11 - 14%/năm; cho vay trung, dài hạn phổ biến ở mức 12,5 - 14%/năm. Thậm chí, một số TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay đối với các gói kích cầu thấp hơn lãi suất huy động. Số lượng dư nợ có lãi suất trên 15% chỉ chiếm chưa đến 3% tổng dư nợ. Bên cạnh việc giảm lãi suất, các TCTD cũng tích cực rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của các doanh nghiệp để có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn, giảm lãi phù hợp. Tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ... nhằm giúp doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, khơi thông dòng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng dư nợ vẫn đạt thấp. Đến hết tháng 6 - 2013, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn mới đạt 32.321 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cuối năm 2012. Có khoảng 2.900 doanh nghiệp được vay vốn, giảm trên 1.000 doanh nghiệp; tổng vốn vay của các doanh nghiệp khoảng 16.500 tỷ đồng, giảm khoảng 1.200 tỷ đồng so với cuối năm 2012.
Còn nhiều vướng mắc
Khó cho doanh nghiệp vay là tình hình chung của nhiều TCTD trên địa bàn tỉnh. Theo bà Lê Thị Xuân, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Nhị Chiểu, đơn vị luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay nhằm trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo quy định của NHNN, điều kiện cho vay không được nới lỏng, trong khi thực tiễn của nền kinh tế biến động không ngừng. Có nhiều chính sách không còn phù hợp nhưng vẫn chưa được sửa đổi, gây khó cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, kỹ năng quản trị doanh nghiệp kém nên ngân hàng cũng rụt rè khi giải ngân. Trước sức ép tăng trưởng dư nợ, nếu không cẩn thận trong xét duyệt hồ sơ, ngân hàng sẽ đối mặt với nguy cơ rủi ro do nợ xấu tăng cao.
Bà Lương Thị Yên, Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) chi nhánh Hải Dương cho rằng, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong quá trình chuyển từ "sổ đỏ" sang "sổ hồng" khi thế chấp vay vốn. Nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng từ đầu những năm 2000. Thời điểm đó, yêu cầu về giấy phép xây dựng chưa chặt chẽ như hiện nay. Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp liên tục bổ sung các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, khi làm thủ tục chuyển từ "sổ đỏ" sang "sổ hồng", các doanh nghiệp mất rất nhiều công sức, thời gian để đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan chuyên môn. Nhiều doanh nghiệp đã lỡ cơ hội tiếp cận nguồn vốn do vướng thủ tục này.
Theo một cán bộ tín dụng của một ngân hàng lớn ở TP Hải Dương, hiện tại thanh khoản của ngân hàng ổn định, huy động tốt, lãi suất huy động thấp nên có điều kiện hạ lãi suất cho vay. Thậm chí, các ngân hàng còn cạnh tranh để có khách hàng tốt. Tuy nhiên, việc đẩy vốn ra lại rất khó khăn do khả năng hấp thụ vốn thấp hoặc nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn. Mặc dù khó tăng trưởng dư nợ, nhưng các ngân hàng cũng không dám hạ chuẩn tín dụng, bởi nếu làm như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế.
Ngoài những nguyên nhân từ phía ngân hàng và doanh nghiệp, hiện còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn. Tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) sang giấy chứng nhận QSDĐ và tài sản gắn liền với đất còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến việc đăng ký giao dịch bảo đảm, làm lỡ cơ hội đầu tư của khách hàng, lỡ cơ hội chuyển đổi mục đích sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi dự án. Hiện tại, một số doanh nghiệp muốn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ và tài sản gắn liền với đất để thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm khi vay vốn ngân hàng, nhưng gặp khó khăn do việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp bị vướng bởi những quy định tại Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 11-5-2012 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư không hiệu quả, chủ doanh nghiệp muốn nhượng lại cho đối tác khác, nhưng việc sang nhượng khó thực hiện do vướng những quy định tại Quyết định 21/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 23-11-2012 vì giá thuê lại đất tại thời điểm chuyển nhượng cao hơn rất nhiều so với giá trị thực còn lại của doanh nghiệp muốn chuyển nhượng.
Như vậy, khi lãi suất không còn là rào cản ngăn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngân hàng rất cần các chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước để nguồn vốn được đưa vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo Báo Hải Dương
Đoàn Bá Đàm Công ty CP XNK Nông Lâm sản TMĐ Gia Lộc Sinh nhật: 30/12/1958
|
Nguyễn Thanh Hải Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn Sinh nhật: 11/12/1960
|
Nguyễn Trọng Trường Công ty TNHH MTV TM Tuấn Tài Sinh nhật: 30/12/1968
|
Lê Minh Tân Công ty TNHH Toàn Thắng Sinh nhật: 16/12/1964
|
Nguyễn Văn Chung Công ty TNHH MTV DVTM và SX Trung Hiếu Sinh nhật: 12/12/1974
|
Phạm Văn Hùng Công ty cổ phần Đức Việt 568 Sinh nhật: 13/12/1977
|