(DĐDN) - Nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, kịp thời nắm bắt cơ hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, sáng 20/9, dưới sự chủ trì của VCCI, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp: Cơ hội vốn cuối năm 2012”.
Từ trái qua phải: TS Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia Kinh tế, ngân hàng; TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI; bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng; ông Phạm Linh - Phó Tổng giám đốc - Ngân hàng TMCP Phương Đông
Tới tham dự Diễn đàn có sự hiện diện của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI; TS Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia tài chính, ngân hàng; ông Phạm Linh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB);bà Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Tổng GĐ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ths Lê Văn Hinh - Chuyên gia Tài chính, Ngân hàng; ông Hoàng Quang Phòng - Tổng thư ký Hội đồng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam; bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng; bà Phong Lan - Phó Vụ trưởng, Vụ tài chính ngân hàng - Bộ tài chính; cùng đại diện các Hiệp hội DN Lạng Sơn, Bắc Giang,...
TS Vũ Tiến Lộc cho biết: "Trong bối cảnh hiện nay, một trong những vấn đề lớn nhất là việc kết nối giữa ngân hàng và DN"
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc cho biết: "Trong bối cảnh hiện nay, một trong những vấn đề lớn nhất là việc kết nối giữa ngân hàng và DN. Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, có một điều không muốn đó là khả năng tiếp cận nguồn vốn của DN vẫn còn đang khó khăn. Thực tế, nguồn cung vốn lớn của ngân hàng cho DN còn khá lớn. Nhiều ngân hàng đưa ra lãi suất rất thấp nhưng không phải dễ dàng cho DN tiếp cận. Về phía DN, trong nguồn vốn dồi dào, lãi suất hạ xuống thì vấn đề sống còn đối với các DN là làm sao tiếp cận và sử dụng nguồn vốn đó có hiệu quả. Diễn đàn hôm nay sẽ là cơ hội tốt để chúng ta bàn nhau và trao đổi với nhau, phải làm sao cho nguồn vốn có thể tiếp cận được với các DN".
Báo động năng lực hấp thụ vốn DNVN
Diễn đàn được bắt đầu với bài phát biểu về nhu cầu và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực hấp thụ vốn của DN Việt Nam hiện nay. Theo TS Nguyễn Đại Lai, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng báo động. Phần lớn tín dụng bơm ra trong 8 tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ và/hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn “dẫm chân” xung quanh mức cũ, nhưng cũng đã khá cao: khoảng 125% GDP. Sức ỳ của nền kinh tế biểu hiện rõ qua năng lực hấp thụ vốn rất yếu của DN. Điều này chứng tỏ đối với thị trường hàng hóa, dịch vụ: cung đang lớn hơn cầu, tức là sức mua rất yếu. Đối với thị trường vốn cũng có tình trạng ứ đọng, không tìm được nhiều khách hàng đủ điều kiện hấp thụ vốn mới hiệu quả và an toàn để bán vốn. Như vậy cả nền kinh tế đang trong trạng thái tổng quát:“thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền”.
Cả ngành ngân hàng hiện đang tích cực tìm khách hàng và hạ lãi suất để bơm vốn, cứu doanh nghiệp tức là để tự cứu mình. Lãi suất các khoản vay mới, kể cả các khoản vay cũ đang giảm xuống một cách khách quan theo đà giảm lạm phát và theo sức ép bởi sự trì trệ của nền kinh tế. Lãi suất cho vay bình quân toàn thị trường tín dụng có thể sẽ tiếp tục giảm xuống dưới mức “9+2,5”%/năm và tới “8+2,5”%/năm. Tức là xuống mức giới hạn bởi lãi suất huy động và chi phí hợp lý của hoạt động tín dụng ngân hàng. Theo số liệu đến ngày 30/8/2012, tổng hợp của 69 tổ chức tín dụng, chiếm 90% thị phần tín dụng, thì dư nợ cho vay bằng VND có: Mức lãi suất dưới 10% chiếm tỷ trọng 5.4%; Mức lãi suất từ 10%/năm đến 13%/năm chiếm tỷ trọng 20.1%; Mức lãi suất trên 13%/năm đến 15%/năm chiếm tỷ trọng 49.7%; Mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 22.7%, giảm khoảng 71% so với tỷ trọng trước ngày 15/7/2012 và giảm thêm 1.9% so với ngày 16/8/2012).
Vậy giải pháp nào để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp? - TS Nguyễn Đại Lai đặt câu hỏi. TS cũng đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này. Một là, các doanh nghiệp hơn lúc nào hết cần mở rộng thị trường tiêu thụ theo nguyên tắc “buôn có bạn, bán có phường” thông qua các Hiệp Hội ngành nghề để tổ chức hình thành các kênh phân phối hợp lý, có tổ chức từ sản xuất tới tiêu dùng ở tất cả các tỉnh, thành phố theo đặc thù truyền thống địa phương, ở trong nước và tổ chức các dòng sản phẩm ra các thị trường nước ngoài. Hai là, Chính phủ cần có chính sách kích cầu và coi đây là giải pháp cấp bách cần phải thực hiện. Kích cầu nghĩa là phải “kích” mạnh vào năng lực mua hàng hóa, dịch vụ chứ không phải “kích” mạnh vào khu vực sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ đối với những loại đã đầy ứ trong kho, mà lớn nhất hiện nay là kho bất động sản (BĐS).
Ba là, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên làm đầu mối mua vốn của NHTM thừa với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn (TCV) do NHNN ấn định trừ đi 1% và bán lại cho NHTM thiếu bằng hoặc xấp xỉ lãi suất TCV cùng kỳ, không cao hơn lãi suất cho vay ngoài thị trường 1. Bốn là, Hiệp Hội Ngân hàng (HHNH) nên được bổ sung chức năng tổ chức thị trường mua – bán nợ lẫn nhau (nợ tốt là chính).
TS Nguyễn Đại Lai phát biểu tại Diễn đàn
Năm là, nên sớm dỡ bỏ mọi qui định trần lãi suất ở thị trường 1. Nếu buộc còn phải sử dụng biện pháp hành chính để can thiệp lãi suất thì nên là ngắn hạn và chỉ áp “hành chính” ở lãi suất cho vay, nhưng là hành chính mềm. Theo hướng: NHNN ra thông tư khống chế lãi suất cho vay cao nhất ở thị trường 1 đối với mọi TCTD không được vượt quá 125% (và/hoặc 130%) so với lãi suất trái phiếu Chính Phủ kỳ hạn tương ứng khoản vay 1 năm, 2 và 3 năm trong đợt phát hành gần nhất so với thời điểm phát sinh tín dụng so sánh (sao cho lãi suất tín dụng đầu ra không vượt quá tỷ lệ lạm phát kỳ vọng cộng với chi phí hoạt động cung ứng tín dụng hợp lý của TCTD và lãi suất kỳ hạn ngắn phải thấp hơn lãi suất kỳ hạn dài).
Sáu là, Nhà nước sớm có cơ chế xóa bỏ mọi hình thức sở hữu chéo giữa doanh nghiệp với ngân hàng để triệt để tôn trọng nguyên tắc “TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính TCTD đó”.
"Trong bối cảnh nền kinh tế đang có xu hướng trì trệ, trong trạng thái “thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền” trên tổng quát như hiện nay, thì những giải pháp cấp bách để tạo khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp lúc này là: kích cầu tiêu dùng, tổ chức lại kênh phân phối trong và ngoài nước và thiết kế các chính sách quản lý thị trường tài chính nói chung, thị trường tín dụng nói riêng phải tuân theo các nguyên tắc: tôn trọng qui luật thị trường, gỡ bỏ mọi rào cản mang tính hành chính và độc quyền hóa và kiểm soát tính minh bạch, công khai mọi cơ chế tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân" - TS Nguyễn Đại Lai khẳng định.
Toàn cảnh hội thảo
Ông Phạm Linh – Phó Tổng Giám đốc OCB nhận đinh, tuy vậy còn nhiều những khó khăn song bối cảnh kinh tế 2012 cũng sẽ tạo ra những cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Cơ hội trước hết là các dòng vốn đầu tư rút khỏi những nền kinh tế rối loạn nhiều rủi ro để tìm đến những thị trường đầu tư ổn định và có lợi như Việt Nam. Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là một nơi có môi trường chính trị xã hội ổn định và có nhiều tiềm năng để đầu tư. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô sớm được ổn định, Việt Nam sẽ có sức hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Dù kinh tế khó khăn, nhưng người dân ở các nước vẫn phải chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn, mặc… Đây lại là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nên Việt Nam vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu các mặt hàng này. Mặt khác, Việt Nam có thể chuyển hướng tập trung, tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới nổi, các thị trường đang phát triển, nơi các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn. Việc Nhật Bản vẫn đang trong quá trình tái thiết đất nước sau thảm họa kép cũng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện là những khách hàng của OCB cho thấy, sức mua không tăng, Khả năng chi trả, thanh toán sụt giảm, trả gốc nợ vay tăng lên, Mất cân đối nguồn vốn giữa tổng nợ phải trả trên vốn chủ tăng cao mà biểu hiện cụ thể là Thị trường và mức cầu giảm, Việc tính toán dòng tiền sai lệch, Lợi nhuận giảm, Khả năng thanh toán ở mức báo động, hàng tồn kho cao…. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp đã và đang tìm tới những giải pháp như Tái cấu trúc doanh nghiệp, Đa dạng hóa các nguồn vốn để không bị phụ thuộc quá vào nguồn vốn của ngân hàng, Các DN lớn cần quan tâm đến hoạt động cốt lõi của mình, Tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết.
Ông Phạm Linh – Phó Tổng Giám đốc OCB
OCB hiện đang triển khai 06 sản phẩm chủ đạo nhằm tạo điều kiện cho các DN vay vốn đó là: Sản phẩm cho vay các doanh nghiệp ngành nhựa; Sản phẩm cho vay kinh doanh gạo; Sản phẩm cho vay kinh doanh café; Sản phẩm cho vay Doanh nghiệp xanh và sạch; Sản phẩm cho vay Phụ nữ kinh doanh; Sản phẩm tài trợ cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả.
Vốn đóng vai trò quan trọng
Theo ThS Lê Văn Hinh, Việt Nam luôn đạt được thành tựu là tăng trưởng kinh tế từ 8-9%/năm. Trong suốt thời kỳ tương đối dài thì chúng ta tăng trưởng dựa vào vốn. Yếu tố vốn đóng vai trò quan trọng. Ông Hinh cho rằng, thời gian gần đây nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhiều doanh nghiệp kêu cứu, mong đợi sự hỗ trợ từ ngân sách và ngân hàng; trong khi nguy cơ lạm phát vẫn còn là mỗi lo trong trung hạn. Bối cảnh đó, khu vực ngân hàng đang chịu áp lực “tiến thoái lưỡng nan” là: Cần duy trì chính sách tiền tệ và nguyên tắc tín dụng cẩn trọng để ngăn chặn lạm phát, đảm bảo kinh tế tăng trưởng vừa phải nhưng chất lượng cao, bền vững; Nhưng mặt khác đặt ra là ngân hàng phải hạ lãi suất, giảm điều kiện tín dụng, cho vay dễ dàng hơn để bơm tiền ra cứu doanh nghiệp… ThS Hinh cho rằng ngân hàng cần giảm lãi suất, tăng tín dụng nhưng theo nguyên tắc cẩn trọng, đảm bảo hài hòa các lợi ích, đảm bảo nhất quán với định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế mà Nhà nước (Đảng và Chính phủ) định hướng; trong khi đó doanh nghiệp cũng phải thay đổi cung cách sản suất kinh doanh, thay đổi cách ứng xử với đồng vốn! Hay nói cách khác các nhà (Nhà nước, Nhà Bank, Nhà doanh nghiệp …) nên thay đổi cách ứng xử với đồng vốn theo cách cẩn trọng, nhằm hướng tới một sự tăng trưởng bền vững.
Các động thái của doanh nghiệp gần đây cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chờ mong vào các gói cứu trợ từ Nhà nước (nhất là từ NSNN), hay mong đợi lãi suất cho vay giảm thật nhanh. Kinh nghiệm cho thấy, các gói kích thích như vậy cho dù cứu được doạnh nghiệp trong ngắn hạn và nếu doanh nghiệp không có thay đổi thì kết quả cũng không thực sự tốt. Đánh giá về giải pháp kích thích, giải cứu doanh nghiệp ý kiến cho rằng: “Các giải pháp này đưa nền kinh tế ra khỏi chảo rán nhưng lại đưa nển kinh tế xuống bếp than” (tức là đưa nền kinh tế đến mức độ là tồi tệ hơn). Tình trạng này ít nhiều đã thấy ở Việt Nam năm 2008-09, việc sử dụng các gói kích thích kinh tế đã đưa đến việc cứu doanh nghiệp trong ngắn hạn… nhưng việc kéo dài chính sách này nên đã đưa nền kinh tế vào tình trạng nguy cơ lạm phát gia tăng, bất ổn kinh tế.
Về giác độ sử dụng vốn, dễ thấy Chính phủ thể hiện rõ thông điệp sử dụng cẩn trọng các nguồn lực (nhất là tài chính) cho khu vực sản xuất thực sự và có ý nghĩa an sinh xã hội như các doạnh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp, nông thôn, hàng xuất khẩu; Động thái phân lọai hay làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp ngừng sản xuất gần đây, hay tình trạng tồn kho gia tăng cho thấy, Nhà nước có thể cứu các doanh nghiệp nhưng không cào bằng và chia đều mọi nguồn lực mà vẫn tôn trọng các quy luật khắt khe của cơ chế thị trường là đào thải đi các doanh nghiệp chậm đổi mới quản lý và công nghệ (nơi mà các nguồn lực bị lãng phí và gây nhiều ô nhiễm môi trường sinh thái).
“Ép” lãi suất giảm nhanh có tốt? Trên góc độ kinh tế, dễ nhận thấy, nếu “ép“ lãi suất giảm xuống quá nhanh và thấp hơn mức cân bằng của thị trường thì cũng đồng nghĩa với giải pháp tập trung nguồn vốn của xã hội cho doanh nghiệp (như thời kỳ chính sách lãi suất thực âm). Cách thức này sẽ duy trì được sự tồn tại của doanh nghiệp nhưng họ sẽ lại đi theo đường cũ là đầu tư dễ dãi và như vậy đồng vốn xã hội có thể càng kém hiệu quả.
Do đó, giải pháp giảm lãi suất ở Việt Nam trong thời gian tới cần thiết đi đôi với cải cách mạnh mẽ cung cách kinh doanh ở doanh nghiệp (năng lực lập dự án kinh doanh, quản trị rủi ro, vấn đề quản trị công ty…) và đồng thời với cải cách, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng (như Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đến 2015 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012); cải cách các tập đoàn kinh tế…. Ngoài ra, giải pháp vốn cho doanh nghiệp trong thời gian tới không nên thực hiện theo cách thức quá dễ dàng; Các nguyên lý và thực tế cho thấy, quá dễ dàng với nguồn lực tài chính như giảm lãi suất quá nhanh, hạ thấp điều kiện tín dụng quá mức hay rải tiền (bài học về chính sách trực thăng rải tiền ở Hoa kỳ), tưởng như cứu doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng trong trung hạn lại để lại hệ lụy là áp lực lạm phát và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô lại đe dọa chính doanh nghiệp... Rõ ràng, giải pháp hạ lãi suất và bơm mạnh vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần đảm bảo hài hòa giữ vĩ mô và vi mô, và đặc biệt cần có sự thay đổi tư duy và ứng xử theo cách thức cẩn trọng với đồng vốn xã hội.
ThS Lê Văn Hinh cho rằng Nhà nước, Nhà Bank, Nhà doanh nghiệp … nên thay đổi cách ứng xử với đồng vốn theo cách cẩn trọng, nhằm hướng tới một sự tăng trưởng bền vững
Về trung hạn, ThS Lê Văn Hinh cho rằng, Nhà nước, Nhà Bank, Nhà doanh nghiệp … nên thay đổi cách ứng xử với đồng vốn theo cách cẩn trọng, nhằm hướng tới một sự tăng trưởng bền vững trong những năm tới, cho dù chúng ta có thể cần một sự hỗ trợ; Nếu không thay đổi hành vi ứng xử với các nguồn lực nói chung (trong đó có vốn) thì nền kinh tế có thể tại tái rơi vào tình trạng cũ- nền kinh tế nghèo thu nhập thâp (hay bẫy thu nhập thấp).
Thúc đẩy thị trường tín dụng cuối năm
TS Trần Thị Hồng Hạnh - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, cung tín dụng của các NHTM đối với nền kinh tế: đến 31/7/2012 dư nợ tín dụng (TD) đối với nền kinh tế tăng 1,24% so với cuối năm 2011 và giảm 0,26% so với 30/6/2012. Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông báo số 198/TB-NHNN ngày 9/7/2012, các TCTD tiêp tục giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa là 15%. Trong tháng 7/2012, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%, đối với các lĩnh vực khác ở mức 12-15%. Lãi suất cho vay USD ổn định so với tuần trước, phổ biến ở mức 5-7% đối với ngắn hạn và 6-8% đối với trung dài hạn....
TS Trần Thị Hồng Hạnh - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Về cơ cấu dư nợ: dư nợ TD bằng VND chiếm tỷ trọng 80% tổng dư nợ, tăng 1,8% so với cuối năm 2011 và tăng 0.1% so với cuối tháng 6/2012. Dư nợ bằng ngoại tệ quy đổi chiếm tỷ trọng 20% so với tổng dư nợ, giảm 3,6% so với 31/12/2011. Dư nợ ngoại tệ giảm một phần do huy động ngoại tệ giảm và do các TCTD tiếp tục thực hiện Thông tư 03/2012/TT-NHNN ngày 18/3/2012 theo hướng quản lý chặt chẽ hơn nhằm chống đô la hóa nền kinh tế.
Xét về thời hạn cho vay, dư nợ ngắn hạn luôn chiếm tỷ trọng cao hơn dư nợ trung dài hạn. Tính đến cuối tháng 7/2012 dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 57,1% so với tổng dư nợ, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm tỷ trọng 42,9% so với tổng dư nợ
Nếu xét về cơ cấu tín dụng theo thành phần sở hữu của TCTD cho vay thì NHTM NN và NHTM cổ phần có vốn nhà nước chi phối chiếm tỷ trọng lớn nhất 51%, tiếp đến là NHTMCP 36%, còn lại là khối NH nước ngoài và TCTD khác 13%
Trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, dư nợ TD chiếm tỷ trọng chủ yếu 91,91% còn lại một phần nhỏ để đầu tư trái phiếu DN 6,37% và cho vay ủy thác 1,72%. Các TCTD đã tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn: Đến ngày 30/6/2012, mặc dù tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế chỉ tăng 0,76% nhưng dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tăng 3,8% so với cuối năm 2011 và chiếm tỷ trọng 19,7% so với tổng dư nợ cho vay trên toàn quốc.
Đối với lĩnh vực không khuyến khích, đến 31/5/2012 so với thời điểm 31/12/2012 dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 70%, cho vay lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 40%, cho vay , chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 10%
Xét về chất lượng dư nợ, đến 31/7/2012 tỷ lệ nợ xấu là 4,5%, các ngành có nợ xấu cao hơn mức nợ xấu trung bình toàn ngành NH là vận tải kho bãi 12,2% và hoạt động kinh doanh bất động sản là 6,8%.
Từ đó, bà Hạnh nhìn nhận, cung tín dụng của NHTM đúng hướng. các NHTM thận trọng trong cung tín dụng, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực được ưu tiên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những khó khăn, tồn tại: Tăng trưởng tín dụng thấp; Hầu hết dư nợ cho vay của các ngân hàng hội viên trong những tháng đầu năm 2012 đều giảm so với đầu năm. Tiềm ẩn rủi ro lãi suất, rủi ro kỳ hạn do người gửi tiền rút trước hạn, do tín dụng ngân hàng đang kiêm nhiệm cả chức năng của thị trường vốn, do các khoản cho vay khó thu hồi vì khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không tiêu thụ được sản phẩm. Việc không chuyển nhóm nợ tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng nhưng làm tăng rủi ro cho NH do không trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ không chuyển nhóm nợ.
Nguyên nhân chính của tình hình trên là do: Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp nên các NHTM khó khăn trong mở rộng thị phần cung tín dụng; Tình hình tăng trưởng của nền kinh tế còn chậm, GDP 6 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 4,38%. Việc tiêu thụ sản phẩm dịch vụ giảm dẫn đến khả năng phát triển sản xuất của DN gặp nhiều khó khăn, giảm khả năng trả nợ vay ngân hàng; Tình trạng đóng băng của thị trường BĐS tác động tiêu cực đến các ngành liên quan như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, đồ gỗ…; Giá cả đầu vào tăng, gây áp lực tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm; Lãi suất huy động cao dẫn đến lãi suất cho vay cao. Hiện lãi suất huy động còn 9%, tuy nhiên các ngân hàng chưa thể giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp ngay được….
Các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường tín dụng những tháng cuối năm đối với NHTM, theo bà Hạnh là tiếp tục tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ DN thông qua triển khai thực hiện tốt chính sách cho vay, chính sách khách hàng của ngân hàng; Làm tốt công tác dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng từ nay đến cuối năm để có kế hoạch cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng theo quy định; Chủ động tiếp cận với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng tiềm năng để rà soát, đánh giá lại các khoản nợ, cùng DN bàn bạc, xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn để duy trì và phát triển hoạt động SXKD…
Đối với Doanh nghiệp: cần chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với khả năng, tình hình tài chính hiện có và năng lực, sở trường của DN; Nhân thức rõ vai trò đòn bẩy tín dụng, trên cơ sở đó tính toán giới hạn tối đa mức vay vốn tín dụng ngân hàng để vốn vay ngân hàng không trở thành gánh nặng cho DN trong việc trả nợ gốc và lãi vay; Thực hiện công khai, minh bạch tình hình tài chính để tạo điều kiện cho các NHTM xem xét, quyết định cung ứng vốn tín dụng chính xác…
Đối với các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương: Thực hiện hỗ trợ DN trong quan hệ vay vốn ngân hàng thông qua bảo lãnh cho DNNVV vay vốn theo quy định của quỹ bảo lãnh DNNVV, hỗ trợ lãi suất cho DN từ nguồn ngân sách tỉnh để giảm bớt khó khăn về tài chính cho DN; Để tạo điều kiện giảm thiểu rủi ro cho người vay cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhất là các sản phẩm nông nghiệp.
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bày tỏ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Chăn nuôi, chế biến và XNK Aprocimex
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Chăn nuôi, chế biến và XNK Aprocimex cho biết, hiện tại ngân hàng thừa vốn, DN cần sản xuất lại không tiếp cận được. Tiếng nói giúp DN trong thời điểm này chưa nhiều, gói hỗ trợ DN chưa đến tay DN. Thực tế, tiền từ ngân hàng chưa về tay doanh nghiệp, 2 bên chưa có tiếng nói chung. DN nào đang tồn tại thì ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ, nên bỏ vôn để giúp DN sản xuất kinh doanh. Như ngành chăn nuôi của chúng tôi, nếu ngân hàng không hỗ trợ sẽ bỏ chuồng hết, và nếu như thế, cuối năm nay dân sẽ phải mua 100 nghìn /kg thịt lợn, rồi thịt lợn nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Do đó tôi đề nghị ngân hàng và Nhà nước phải vào cuộc để viễn cảnh trên sẽ không diễn ra.
Ông Lại Văn Toàn – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Lạng Sơn đưa ra lý do vì sao ngân hàng và doanh nghiệp chưa gặp nhau. Đó là do hệ lụy từ thời gian vừa qua đó là lãi suất quá lớn, nên dẫn tới nợ xấu quá lớn đã tạo nên quan hệ rất căng thẳng với nhau. Mặc dù Nhà nước cũng hạ lãi suất để hai bên có thể gặp nhau nhưng vẫn còn rất khó khăn, các hợp đồng cho DNNVV chưa có nhiều cơ hội tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Đây là một điều rất buồn đối với những DNNVV. Thêm nữa, các điều kiện của DNNVV và siêu nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Có những DN lập nên vì có một số tiền thừa kế, đất đai thừa kế nên lấy đó làm tài sản, nên điều kiện thế chấp khó và so với mức cần vốn như hiện nay thì chưa đáp ứng được. Yêu tiên hiện nay là thay đổi về tiêu chí cho các DNNVV. Khi doanh nghiệp tới ngân hàng vay vốn thì vẫn sử dụng các tiêu chí như bình thường thì rất khó cho DNNVV và nên chăng nên giảm bớt và có tiêu chí cụ thể phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay. Ngân hàng không nên nhìn nhận mình ở trên và gây khó cho DNNVV tiếp cận vốn. Do đó, các ngân hàng nên đi thực địa để nắm bắt và có điều kiện phù hợp cho vay vốn.
LS Trần Vũ Hải chia sẻ tại diễn đàn
Tham gia ý kiến tại diễn đàn, Luật sư Trần Vũ Hải chia sẻ, “là luật sư tôi cũng giúp DN nhiều nhưng lại rất buồn vì là đi giúp họ làm các thủ tục để phá sản. DN có cơ hội sống sót không còn nhiều, các DN tồn tại đến thời điểm này rồi thì ngân hàng nên có quy định phù hợp để DN được vay vốn. Tôi đề nghị hàng quý các ngân hàng nên tổ chức hội chợ ngân hàng, mời các doanh nghiệp đến để tiếp cận với các quy định về vốn”.
Hai Phan Van sưu tầm (Nguồn: http://dddn.com.vn)
Đoàn Bá Đàm Công ty CP XNK Nông Lâm sản TMĐ Gia Lộc Sinh nhật: 30/12/1958
|
Nguyễn Thanh Hải Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn Sinh nhật: 11/12/1960
|
Nguyễn Trọng Trường Công ty TNHH MTV TM Tuấn Tài Sinh nhật: 30/12/1968
|
Lê Minh Tân Công ty TNHH Toàn Thắng Sinh nhật: 16/12/1964
|
Nguyễn Văn Chung Công ty TNHH MTV DVTM và SX Trung Hiếu Sinh nhật: 12/12/1974
|
Phạm Văn Hùng Công ty cổ phần Đức Việt 568 Sinh nhật: 13/12/1977
|