MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Thứ 5, 08/11/2012 4:00 GMT+7

Ngân hàng không dễ tăng vốn năm nay

Thời gian còn lại của năm 2012 không còn nhiều, song kế hoạch tăng vốn của nhiều nhà băng vẫn chưa được triển khai.

Trước đó, trong đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), hầu hết các ngân hàng đã thông qua kế hoạch và cho biết, sẽ hoàn tất trong năm nay.
Trong tờ trình ĐHĐCĐ năm 2012, không ngân hàng nào bỏ sót việc tăng vốn điều lệ, với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đẩy mạnh thực hiện đề án tái cấu trúc ngành và làn sóng hợp nhất, sáp nhập ở lĩnh vực này đang rất nóng.

NamA Bank lên kế hoạch tăng vốn từ mức 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng năm nay. ABBank xây dựng chỉ tiêu nâng vốn từ mức 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm, phát biểu tại ĐHĐCĐ năm 2012, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho hay, có thể năm nay niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (Hose). Nhưng đối với việc mua bán – sáp nhập (M&A) với các đơn vị khác trong ngành ở thời gian tới, bà Loan cho biết, NamA Bank kiên quyết không lựa chọn hình thức này mà sẽ dùng nội lực của mình để phát triển. Vì thế, tăng vốn là điều cần thiết. 

“Năm 2011 là một năm khó khăn, nhưng NamA Bank đã vượt qua, đảm bảo thanh khoản an toàn. Trước xu hướng M&A của thị trường hiện nay, Ngân hàng quyết không tham gia. Bởi NamA Bank đủ tiềm lực để có thể mở rộng và phát triển nên không tính đến việc M&A”, bà Loan khẳng định.

Vì thế, với các nhà băng nhỏ lên kế hoạch tăng vốn cho từng năm và 2012 hầu hết ngân hàng đều tăng vốn. VietABank có kế hoạch phát hành cổ phiếu nâng vốn lên 5.000 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2011. HĐQT Ngân hàng Phương Đông (OCB) đưa ra kế hoạch tăng nâng vốn lên 4.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012 so với mức 3.400 tỷ đồng hiện tại. 

HĐQT OCB còn cho biết, trước bối cảnh thị trường hiện nay, tăng vốn để đảm bảo năng lực tài chính và đáp ứng các tiêu chuẩn theo mục tiêu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại của NHNN. Mặt khác, theo HĐQT OCB, tăng vốn là cần thiết để gia tăng tiềm lực, tạo bước phát triển mới cho Ngân hàng, phát triển mạng lưới, hạ tầng…

Làn sóng tăng vốn điều lệ tiếp tục nóng lên khi xu hướng M&A ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng dự báo còn sôi động trong thời gian tới. Vì thế, cách duy nhất để tránh bị thôn tính đối với nhà băng có năng lực tài chính và sức cạnh tranh còn yếu kém, chính là phải từng bước củng cố nội lực bằng cách tăng vốn. 

Thế nhưng, đến thời điểm này, hầu hết kế hoạch tăng vốn của các NHTM quy mô vừa và nhỏ đều chưa được triển khai. Nguyên nhân, thị trường chứng khoán – tiền tệ có những khó khăn nhất định. Giá cổ phiếu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng sụt giảm mạnh, khan hiếm tiền mặt… khiến cổ phiếu được một thời xem là “vua” khó thu hút được nguồn vốn nhà đầu tư.

Chủ tịch HĐQT của OCB cho hay, họ đang trong quá trình cân nhắc thời điểm phù hợp, nhưng chưa thể khẳng định có hoàn thành được kế hoạch tăng vốn trong năm nay hay không. Năm 2011, kế hoạch tăng vốn của OCB đã không thành công và Ngân hàng chỉ hoàn thành được 88,7% kế hoạch đề ra (3.400 tỷ đồng). OCB cho biết, nguyên nhân của thất bại là do việc huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu gặp khó khăn. Năm nay, OCB kỳ vọng sẽ tăng được vốn.

Riêng DongA Bank đã hoàn tất việc phát hành thêm 500 tỷ đồng vốn điều lệ để nâng vốn từ mức 4.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch tiếp theo của DongA Bank là sẽ phát hành thêm 1.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 (tức cổ đông đang sở hữu 5 cổ phiếu của DongA Bank sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới) để nâng vốn lên mức 6.000 tỷ đồng trong năm nay. Thế nhưng, câu chuyện phải hủy kế hoạch tăng vốn điều lệ cũng từng xảy ra với DongA Bank trong năm trước. Vì thế, việc có hoàn thành được kế hoạch nâng vốn lên 6.000 tỷ đồng trong năm nay là chưa thể khẳng định. Khi được hỏi về kế hoạch này, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết: “Khi nào thị trường phù hợp sẽ tiến hành việc tăng vốn”.

Theo lý giải của các nhà băng, sở dĩ ngân hàng phải lùi kế hoạch tăng vốn vào thời điểm cuối năm là do hình TTCK năm nay giảm sút, giá cổ phiếu ngân hàng chưa được cải thiện. Mặt khác, hiện các nhà băng cũng khó có thể kỳ vọng vào cổ đông chiến lược trong và ngoài nước khi phát hành thêm cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ. Bởi với một số ngân hàng đã có cổ đông chiến lược nước ngoài thì tỷ lệ cổ phần nắm giữ đã chạm tới ngưỡng cho phép là 20%. Chẳng hạn OCB đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Tài chính BNPP (Pháp) và của ABBank là MayBank đều đang cùng sở hữu 20% vốn điều lệ.

Một số ngân hàng có cổ đông chiến lược trong nước là tập đoàn tài chính lớn, thì cũng đang phải thu hẹp đầu tư ngoài ngành, vì thế, việc tăng vốn của các nhà băng cũng sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ các cổ đông lớn này.

Chẳng hạn, tại VietA Bank trong kế hoạch tăng vốn điều lệ năm nay sẽ phát hành trên 10,8 triệu cổ phiếu để phân phối nguồn thặng dư vốn cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 3,49%; đồng thời chào bán cho cổ đông cũ trên 30,9 triệu cổ phiếu tỷ lệ phân phối 10:1, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu và phát hành hơn 148,3 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước, với giá khởi điểm từ 10.000 đồng/cổ phiếu.

Thế nhưng, việc thoái vốn của cổ đông lớn là Công ty Vàng bạc đá quý SJC khỏi VietABank, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn nói trên của Ngân hàng.

Theo Đầu tư

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành