Một số công việc cần làm sau khi thành lập Doanh nghiệp
Để giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt sau đăng ký thành lập, cơ quan ĐKKD và cơ quan Thuế tỉnh Hải Dương liệt kê một số công việc cần làm sau khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:
1. Gắn biển tên doanh nghiệp tại trụ sở chính và tại chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có) (Khoản 2 Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2014).
2 Công bố nội dung đăng ký kinh doanh: Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về ĐKDN (dangkykinhdoanh.gov.vn) theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định (Điều 33 Luật Doanh nghiệp 2014)
(Phòng ĐKKD tỉnh Hải Dương sẽ giúp DN làm công việc này. Khi nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện việc đăng ký đăng bố cáo trên Cổng thông tin và trả phí theo quy định)
3. Khắc dấu và đăng ký mẫu con dấu
Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014).
4. Lập sổ đăng ký thành viên/Sổ đăng ký cổ đông và thực hiện việc góp vốn theo cam kết
Công ty phải lập sổ đăng ký thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) và lập sổ đăng ký cổ đông (đối với công ty cổ phần) ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải hoàn thành việc góp vốn theo cam kết:
+ Đối với công ty TNHH: Chủ sở hữu hoặc các thành viên phải góp vốn đầy đủ, đúng hạn và đúng loại tài sản đã cam kết.
+ Đối với công ty cổ phần: Các cổ đông sáng lập có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua
Cấp giấy chứng nhận phần vốn góp: Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp
5. Hoàn thiện bộ máy tổ chức của doanh nghiệp theo quy định tại điều lệ, quy chế của công ty .v.v., Luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
6. Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. (Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014). Đối với những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật quy định phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,… gọi chung là giấy phép con, doanh nghiệp phải xin phép và chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các điều kiện kinh doanh khi kinh doanh các ngành nghề đã đăng ký.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị liên hệ với phòng ĐKKD - Sở KH&ĐT để được giải quyết. Điện thoại 03203.859412/03203.837698
Email: dkkdhd@gmail.com Website: skhdt.haiduong.gov.vn
7. Đối với lĩnh vực thuế, doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế như sau:
7.1. Đăng ký kê khai qua mạng và nộp thuế điện tử:
Các doanh nghiệp tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua các phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Các doanh nghiệp mới thành lập đăng ký kê khai, nộp thuế điện tử phải có chứng thư số; đề nghị doanh nghiệp liên hệ với các đơn vị cung cấp chứng thư số.
- Nộp thuế điện tử doanh nghiệp liên hệ với Ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản.
7.2. Kê khai và nộp thuế môn bài:
Doanh nghiệp mới thành lập thì phải khai nộp thuế môn bài trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp thành lập trong 06 tháng đầu năm phải nộp thuế môn bài cả năm; doanh nghiệp thành lập trong 06 tháng cuối năm chỉ nộp thuế môn bài nửa năm.
Hồ sơ khai thuế môn bài là Tờ khai thuế môn bài theo mẫu 01/MBAI ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
7.3. Đăng ký phương pháp tính thuế GTGT, khai thuế GTGT:
a. Đăng ký phương pháp tính thuế GTGT
Doanh nghiệp mới thành lập phải thực hiện đăng ký phương pháp tính thuế GTGT theo một trong hai phương pháp sau (điều kiện áp dụng theo Thông tư số 219/2013/TT-BTc và Thông tư số 119/2014/TT-BTC):
- Phương pháp khấu trừ thuế.
- Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu.
Người nộp thuế muốn chuyển đổi áp dụng các phương pháp tính thuế GTGT thì gửi văn bản thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo mẫu số 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
b. Khai thuế GTGT
Doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh việc khai thuế GTGT được thực hiện theo quý.
Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện và thuộc đối tượng khai thuế GTGT theo quý muốn chuyển sang khai thuế theo tháng thì gửi thông báo theo mẫu số 07/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế GTGT theo quý chậm nhất là ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
7.4. Đăng ký sử dụng hóa đơn:
Tổ chức kinh doanh mới thành lập thuộc đối tượng được tự in hóa đơn nếu không sử dụng hóa đơn tự in thì được tạo hóa đơn đặt in để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Đồng thời, doanh nghiệp có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in/đặt in theo mẫu số 3.14 phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, sau 05 ngày làm việc cơ quan quản lý thuế trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn tự in/đặt in
Tổ chức kinh doanh phải lập và gửi Thông báo phát hành hóa đơn theo mẫu TB01/AC ban hành kèm theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính kèm hóa đơn mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 05 ngày trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành.
7.5. Thuế TNDN:
Doanh nghiệp mới thành lập căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, người nộp thuế thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý chậm nhất vào ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế; doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính hàng quý.
Kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện kê khai quyết toán thuế TNDN. Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN bao gồm:
Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; Báo cáo tài chính năm; một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN tùy theo thực tế phát sinh của doanh nghiệp.
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
7.6. Thuế TNCN:
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của ít nhất một loại tờ khai thuế thu nhập cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên khai thuế theo tháng. Nếu tổ chức, cá nhân trả thu nhập phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của ít nhất một loại tờ khai thuế thu nhập cá nhân từ 50 triệu đồng trở xuống thì khai thuế theo quý.
Việc khai thuế theo tháng hoặc quý được xác định một lần kể từ tháng đầu tiên có phát sinh khấu trừ thuế và áp dụng cho cả năm.
Nếu trong tháng hoặc quý không phát sinh thuế TNCN thì không phải kê khai nhưng vẫn phải nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN năm.
Hồ sơ khai thuế TNCN theo tháng, quý là Tờ khai mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.
Hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN năm mẫu số 05/QTT-TNCN và các bảng kê ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.
Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
7.7. Thuế tiêu thụ đặc biệt:
Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TTĐB theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 (hai mươi) của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TTĐB theo từng lần phát sinh đối với hàng hóa mua để xuất khẩu nhưng được bán trong nước thì chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế
7.8. Thuế Tài nguyên:
Đối tượng kê khai là: Doanh nghiệp khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.
7.9. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:
Đối tượng kê khai là: Doanh nghiệp có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế.
Trong quá trình hoạt động nếu có vướng mắc về chính sách thuế đề nghị doanh nghiệp liên hệ với phòng Tuyên truyền hỗ trợ Người nộp thuế - Cục Thuế tỉnh Hải Dương để được giải quyết.
Điện thoại phòng TTHT - NNT: 03203.890.947
Email: pttht@gdt.gov.vn Website: www.haiduong.gdt.gov.vn
8. Các quy định khác của pháp luật hiện hành./
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý vị
Chúc Doanh nghiệp thành công!
Trương Thanh Sơn Công ty CP Việt Tiên Sơn Địa Ốc Sinh nhật: 03/11/1966
|
Nguyễn Xuân Thắng Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 10/11/1977
|
Nguyễn Trọng Tiến Cục thuế tỉnh Hải Dương Sinh nhật: 20/11/1973
|
Phạm Đức Thắng Công ty cổ phần sản xuất Vita Sinh nhật: 27/11/1981
|
Nguyễn Thị Thoa Công ty TNHH TM và DV Quà tặng Thành Đông Sinh nhật: 05/11/1990
|
LÊ XUÂN THANH Teckcombank chi nhánh Hải Dương Sinh nhật: 02/11/1979
|
VŨ KHẮC KHƯƠNG Công ty TNHH Vĩnh Hà HD Sinh nhật: 03/11/1974
|