VĂN BẢN PHÁP LUẬT Thứ 3, 04/08/2015 8:07 GMT+7

Triển khai thực hiện Luật DN, Luật ĐT 2014 và tăng cường quản lý DN sau đăng ký

Ban biên tập Website Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương trân trọng giới thiệu toàn văn Công văn 917/KHĐT-ĐKKD ngày 27/7/2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đến bạn đọc.

Luật Doanh nghiệp 68/2014/QH13 và Luật Đầu tư 67/2014/QH13 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh khi tiếp cận với hai Luật mới này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương tổng hợp một số vấn đề liên quan đến việc triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 và đề nghị tăng cường quản lý doanh nghiệp sau đăng ký như sau:

1. Về công tác triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, công chức có liên quan từ cấp huyện trở nên và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về các Luật mới, trong đó trọng tâm là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014. Cán bộ, công chức, viên chức của Sở cũng đã chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện Luật mới nên từ khi Luật có hiệu lực ngày 01/7/2015, các công việc được thực hiện tốt, cơ bản không có sự chờ đợi hướng dẫn từ cấp trên .v.v. Các Luật mới cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đăng tải đầy đủ trên Website của Sở tại địa chỉ sokhdt.haiduong.gov.vn. Ở từng lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đã cho ban hành bộ câu hỏi đáp nêu các tình huống cụ thể để người dân, doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện .v.v. Đồng thời, qua nhiều kênh thông tin, Sở cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các Luật mới, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Đề nghị quý cơ quan, doanh nghiệp tích cực, chủ động nghiên cứu Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư .v.v. và các văn bản hướng dẫn, các điều kiện đầu tư, kinh doanh .v.v. được đăng tải chi tiết tại các địa chỉ như sau:

1. Cổng thông tin ĐKDN quốc gia: dangkykinhdoanh.gov.vn.

2. Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài: fia.mpi.gov.vn/fdi

3. Cơ sở dữ liệu hành chính của tỉnh Hải Dương tại địa chỉ: http://thutuchanhchinh.haiduong.gov.vn/ (vào mục Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp .v.v.)

4. Website của Kế hoạch và Đầu tư: sokhdt.haiduong.gov.vn. Địa chỉ trụ sở: Số 58, phố Quang Trung, thành phố Hải Dương. Đối với lĩnh vực ĐKKD đề nghị liên hệ phòng ĐKKD - Sở KH&ĐT, ĐT: 03203.859412/03203.837698; Email: dkkdhd@gmail.com; Đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài (ngoài KCN) đề nghị liên hệ phòng KTĐN - Sở KH&ĐT: 03203.855768; Đối với lĩnh vực đầu tư trong nước đề nghị liên hệ phòng TĐĐTTN - Sở KH&ĐT điện thoại: 0320.3858959.

5. Website của Ban QL các KCN tỉnh Hải Dương: iza.haiduong.gov.vn; Địa chỉ trụ sở: Số 2, đường Thanh Niên, phường Quang Trung, TP Hải Dương; Đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài (trong KCN) đề nghị liên hệ Phòng Quản lý đầu tư, ĐT: 03203.844723. Email: dxthuongkcnhd@gmail.com

Sở Kế hoạch và Đầu tư hoan nghênh các doanh nghiệp (trong nước và ngoài nước) trên địa bàn tỉnh cung cấp cho Sở địa chỉ Email của doanh nghiệp để Sở thường xuyên gửi các văn bản cập nhật các chủ trương, chính sách của TW và của tỉnh trực tiếp tới từng doanh nghiệp .v.v.

2. Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014

2.1. Về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Khoản 1 điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014 đã hiện thực hóa một cách đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc đã được Hiến định là người dân được tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, “tự do” ở đây không được hiểu theo nghĩa doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) có thể kinh doanh bất cứ ngành nghề nào mà không gặp "rào cản" gì khác. Luật Đầu tư 2014 nêu 267 ngành nghề không thuộc danh mục cấm nhưng lại có điều kiện, mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế kinh doanh trong một số lĩnh vực. Doanh nghiệp luôn phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Pháp luật thì mới được kinh doanh ngành nghề đó và phải bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Ví dụ, với ngành nghề kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp 2014 không yêu cầu doanh nghiệp phải có xác nhận vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp như trước, nhưng khi doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này đương nhiên phải đủ vốn pháp định là 20 tỷ đồng theo quy định tại khoản 1, điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 .v.v.

Ngoài ra, điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.” Như vậy, cả nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập và kinh doanh vẫn phải tuân theo quy định của các luật chuyên ngành (Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán,....).

2.2. Về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đã được cấp GCN đầu tư riêng, GCN ĐKKD riêng và cả các doanh nghiệp được chuyển từ GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư đồng thời là GCN ĐKKD thành GCN Đầu tư riêng và GCN ĐKDN riêng từ ngày 01/7/2015 được tự do bổ sung ngành nghề kinh doanh vào GCN ĐKDN. Tuy vậy, việc này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đương nhiên được thực hiện ngành nghề bổ sung đó vào dự án đầu tư đã được cấp GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư, vì vậy các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với cơ quan cấp GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư để được hướng dẫn giải quyết.

2.3. Phân định các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của phòng ĐKKD, phòng KTĐN (TĐĐTTN), Ban Quản lý các KCN tỉnh liên quan đến đăng ký chuyển đổi (tách) từ GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư đồng thời là GCN ĐKKD thành GCN Đầu tư riêng và GCN ĐKDN riêng

Từ ngày 01/7/2015, Sở KH&ĐT, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ thực hiện việc đăng ký chuyển đổi (tách) từ GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư đồng thời là GCN ĐKKD thành GCN Đầu tư riêng và GCN ĐKDN riêng theo nguyên tắc sau:

a) Nhiệm vụ của phòng ĐKKD - sở KH&ĐT: Hướng dẫn cho Doanh nghiệp, đăng ký chuyển phần ĐKKD ghi trong GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư đồng thời là GCN ĐKKD. Phần ĐKKD thường bao gồm một số thông tin chủ yếu sau: 1) Tên doanh nghiệp; 2) Địa chỉ trụ sở; 3) Ngành nghề kinh doanh 4) Vốn điều lệ 5) Danh sách thành viên 6) Người đại diện theo pháp luật .v.v. Giấy chứng nhận ĐKDN do phòng ĐKKD cấp ra sẽ thay cho phần ĐKKD ghi trong GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư đồng thời là GCN ĐKKD.

b) Nhiệm vụ của phòng KTĐN - Sở KH&ĐT (nếu DN đã được chuyển hết vốn về cho các nhà đầu tư trong nước thì là nhiệm vụ của phòng TĐĐTTN - Sở KH&ĐT), Ban Quản lý các KCN tỉnh: Hướng dẫn doanh nghiệp, cấp thay đổi GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư đồng thời là GCN ĐKKD thành Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Nội dung đăng ký đầu tư gồm tất cả những nội dung ngoài nội dung về ĐKKD đã nêu ở ý a (nêu trên).

c) Trong quá trình thực thi công vụ, nếu có những khó khăn, vướng mắc, tồn đọng từ giai đoạn cấp GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư đồng thời là GCN ĐKKD, cơ quan cấp GCN đầu tư/Giấy phép đầu tư và doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan ĐKKD để giải quyết công việc cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

Việc chuyển đổi (tách) này đem lại những lợi ích lâu dài cho các doanh nghiệp khi tách hoạt động của pháp nhân với dự án. Tuy vậy, thời gian đầu triển khai Luật mới sẽ không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc do các nhà đầu tư nước ngoài đang có thói quen sử dụng một giấy do một cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xử lý nay phải tách làm hai giấy với hai Luật điều chỉnh khác nhau, hai hồ sơ khác nhau, hai nghiệp vụ khác nhau, hai cơ quan xử lý khác nhau (cơ quan đăng ký đầu tư riêng, cơ quan đăng ký kinh doanh riêng) .v.v.. Tuy nhiên, Luật đã ban hành thì đương nhiên phải thực hiện, nhất là vì sự thuận lợi và lợi ích to lớn, lâu dài cho chính các doanh nghiệp nên đề nghị các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI tích cực, chủ động thực hiện việc chuyển đổi, có khó khăn, vướng mắc gì, đề nghị phản ánh kịp thời đến các cơ quan nhà nước có liên quan để xử lý, giải quyết.

3. Đề nghị tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo thẩm quyền và phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp

Khoản 2 điều 27 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, Cơ quan ĐKKD có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký thành lập mới/thay đổi nội dung ĐKDN và cấp GCN ĐKDN trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Thời gian xử lý hồ sơ rất ngắn, hồ sơ đơn giản, rõ ràng, so với trước kia Cơ quan đăng ký đầu tư có thời gian xử lý dài cùng với sự phối hợp của nhiều ngành và quyết định của UBND tỉnh hoặc Ban QL các khu công nghiệp. Nội dung đăng ký thay đổi ĐKDN đa dạng, trong đó có những việc rất quan trọng như chuyển nhượng vốn, mua bán cổ phần, thay đổi chủ sở hữu, thay đổi người đại diện theo pháp luật,...

Mặt khác, không riêng gì lĩnh vực ĐKKD, ở rất nhiều lĩnh vực cũng đã bỏ "tiền kiểm" thực sự chuyển sang "hậu kiểm" với nguyên tắc người dân, doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tổng thời gian xử lý công việc ngày càng ngắn, đối tượng phục vụ nhiều, cả trong nước và nước ngoài, hoạt động của doanh nghiệp ngày một phức tạp, đa dạng .v.v. Tất cả những điều đó đòi hỏi các cơ quan nhà nước có liên quan phải tăng cường "hậu kiểm" đối với hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư – Ban Quản lý các KCN – Cục Thuế tỉnh (và các Chi cục thuế) – Công An tỉnh - Sở Công thương - Sở Tư pháp - Sở Tài nguyên Môi trường - Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Hải Dương .v.v. phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước và phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm. Trong đó cảnh báo các đối tượng cần đặc biệt chú ý như sau: 1) Các doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp, thua lỗ, vay nợ nhiều, có thuê đất của nhà nước, phát sinh những hoạt động bất thường như việc kê khai lớn số lượng thuế VAT được khấu trừ ... 2) Một số người đến từ các huyện như An Dương (Hải Phòng), Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), Kinh Môn, Kim Thành (Hải Dương) .v.v. không loại trừ cả các đối tượng đến từ nước ngoài. Hành vi của các đối tượng này thường là: thành lập một hoặc một số doanh nghiệp tại Hải Dương và một số tỉnh khác rồi mua bán hóa đơn VAT sau đó "biến mất" khỏi trụ sở; thường xuyên chuyển nhượng vốn, mua bán cổ phần (cả trong nước lẫn ngoài nước), có những hợp đồng mua bán thậm chí chỉ với giá không đồng (mua nợ); thường xuyên thay đổi trụ sở, thay đổi chủ sở hữu, thay đổi thành viên, cổ đông, thay đổi người đại diện theo pháp luật; hoạt động một thời gian rồi tạm ngừng, thậm chí là giải thể .v.v. Khi phát hiện doanh nghiệp có sai phạm, đề nghị các cơ quan nhà nước xử lý nghiêm theo thẩm quyền đồng thời khẩn trương trao đổi, cung cấp, công khai cho các cơ quan nhà nước khác có liên quan. Căn cứ vào thông tin phát hiện được và thông tin do các cơ quan, tổ chức, cá nhân .v.v. khác cung cấp, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xử lý theo thẩm quyền đồng thời đăng tải công khai thông tin về vi phạm của doanh nghiệp lên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại địa chỉ: dangkykinhdoanh.gov.vn, đề nghị quý cơ quan, doanh nghiệp truy cập thường xuyên để lấy thông tin.

Vậy, Sở KH&ĐT đề nghị các cơ quan nhà nước có liên quan, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện./.

 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành