HOẠT ĐỘNG UỶ BAN HỘI Thứ 4, 27/04/2016 23:32 GMT+7

Từ vụ quán Xin Chào: Đừng xử phạt, hãy hướng dẫn người dân

(Chinhphu.vn) - Vụ quán Xin Chào đã kết thúc có hậu, tuy vậy còn rất nhiều câu hỏi cần phải trả lời. Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia giới thiệu ý kiến thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư về vấn đề này.

Các điều kiện kinh doanh, nếu không thực hiện đúng, đủ có thể bị xử phạt chứ không phải là xử lý hình sự, như vậy, sẽ không còn những “ông Tấn” khác bị khởi tố vì tội danh tương tự?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015, người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Điều 7 Luật này quy định, DN được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

Tuy nhiên, Điều 8 cũng có yêu cầu, DN phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động. Các điều kiện kinh doanh này, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng, đầy đủ có thể bị xử phạt.

Cũng theo luật mới, DN vẫn phải ghi ngành, nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký DN và mỗi khi thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh vẫn phải gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, điểm mới là, khi DN thấy có cơ hội, thấy mình đáp ứng được điều kiện thì có thể tiến hành kinh doanh ngay, đồng thời với việc gửi thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh để cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận mà không phải cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký DN.

Chắc chắn trong thời gian tới không thể có những “ông Tấn” khác. Đây là điều đáng mừng với ông Tấn, quán Xin Chào nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Qua sự việc này, sự quyết liệt của Thủ tướng và cả bộ máy chính trị rõ ràng đã tạo nên niềm tin rất lớn đối với nhân dân.

Những người kinh doanh quán cà phê, quán phở như chủ quán Xin Chào phải đăng ký kinh doanh, thực hiện thủ tục gì theo luật mới?

Các DN tùy theo loại hình đầu tư kinh doanh, vẫn phải đảm bảo một hoặc một số yêu cầu như: Giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp… Việc này được quy định tại Điều 9 Nghị định 118 hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư 2014.

Tuy nhiên, để giải tỏa nút thắt về các loại giấy mà thường được gọi chung là giấy phép này, chúng tôi cho rằng cần đẩy mạnh việc thực hiện các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận.

Nhà nước công bố công khai các điều kiện cần phải đáp ứng (giống như cắm các biển báo giao thông trên đường), người dân, DN tự “căn” vào đó mà làm ăn cho đàng hoàng, nghiêm túc chứ không cần phải xin cấp giấy chứng nhận.

Cũng cần phải nói thêm là các loại giấy phép cũng không phải là tấm bùa hộ mệnh vô giá. Có không ít DN “chạy” cho bằng đủ các giấy tờ trên, đóng khung, treo biển đàng hoàng nhưng thực ra thì không chấp hành, tuân thủ nghiêm túc cái đã được cấp ấy. Lẽ dĩ nhiên đây là việc khác nhưng cái mà chúng ta cần là các điều kiện kinh doanh (nếu có) được thực hiện nghiêm trên thực tế.

Câu chuyện trong vụ quán Xin chào không liên quan tới vấn đề giấy phép mà nằm ở vấn đề hành xử của cơ quan có trách nhiệm. Như vậy, luật mới thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho người dân kinh doanh nhưng cách hành xử “lệch chuẩn” có cách nào giải quyết không?

Những người Việt đang làm quán ăn tại Đức cho biết: Khi mở quán, ngay lập tức các cơ quan quản lý sẽ đến hướng dẫn rất tỉ mỉ quy định nhà bếp, chỗ rửa, nhà kho… Sau khi quán được mở, các cơ quan này tiếp tục đến xem xét và nếu như không đúng quy định họ sẽ hướng dẫn đến 3 lần. Nếu sau 3 lần không có tiến bộ mới nhắc nhở, nếu không cải thiện sẽ phạt, dù Đức là nước nổi tiếng kỷ cương, kỷ luật.

Như vậy, yêu cầu về các điều kiện kinh doanh nơi nào cũng có, khác là cách hành xử của cơ quan công quyền và cách nhìn sự việc thế nào mà thôi. Các cơ quan của chúng ta đến DN có với mục tiêu chính là hướng dẫn không? Người dân vẫn có tâm lý sợ cơ quan chức năng, phải chăng vì họ đến thường là để thanh, kiểm tra là nhiều mà hướng dẫn, giúp đỡ thì ít?

Theo chúng tôi, nếu là động cơ trong sáng, pháp luật rõ ràng, minh bạch, dù có đến nhiều lần nhưng lần nào cũng để hướng dẫn, để đồng hành, để giúp đỡ thực sự chứ không phải để hạch sách, nhũng nhiễu thì DN luôn rất hoan nghênh.

Để những quy định của Luật Đầu tư, Luật DN mới, nhất là những quy định về điều kiện kinh doanh, sớm phát huy tối đa tác dụng, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cần làm gì?

Tổ công tác phải thường xuyên, liên tục phát hiện ra những bất hợp lý để từ đó yêu cầu các cơ quan tự giác tháo gỡ, bãi bỏ sớm. Cũng cần hiểu rõ là về mặt nguyên tắc, không bãi bỏ cũng sẽ bị vô hiệu sau 01/7/2016 theo quy định của Luật Đầu tư.

Như đã nói, điều kiện kinh doanh hiện vô cùng nhiều nên Tổ công tác dù có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể phát hiện ra được hết nếu không có sự phối hợp chủ động, quyết liệt của các bộ, ngành, UBND các cấp, nhất là phản ánh trực tiếp từ các doanh nghiệp, hiệp hội DN, báo chí và người dân.  

Lê Xuân Hiền  

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh-Sở KHĐT Hải Dương ,

Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành