VĂN BẢN PHÁP LUẬT Thứ 3, 07/06/2016 23:17 GMT+7

Xử phạt trong đăng ký doanh nghiệp: Nghị định 50 có gì mới?

(Chinhphu.vn) Ngày 01/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó có lĩnh vực đăng ký kinh doanh.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2016 và thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP. Nghị định mới có 60 điều, tăng 8 điều so với Nghị định 155/2013/NĐ-CP. Các điều tăng thêm liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp xã hội, xử lý vi phạm về con dấu... với nhiều nội dung mới.

Trước hết, tại điều 55, Nghị định mới đã phân định rõ thẩm quyền xử phạt của thanh tra kế hoạch và đầu tư, thuế và quản lý thị trường theo từng hành vi cụ thể. Việc phân định rõ thẩm quyền xử phạt theo từng hành vi là hết sức cần thiết, gắn trách nhiệm từng cơ quan cụ thể, tránh việc chồng chéo hay đùn đẩy trách nhiệm, thay cho việc quy định theo kiểu chung chung và dẫn chiếu về Luật Xử lý vi phạm hành chính đã từng gây nhiều khó khăn khi áp dụng của Nghị định cũ.

Những cách tiếp cận mới

Tuân thủ các quy định hoàn toàn mới nêu tại điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi, Nghị định 50 nêu ba tình huống chậm đăng ký thay đổi bị xử phạt, cụ thể là: Quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng; quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng; quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

Về thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thực hiện theo điều 32 Luật Doanh nghiệp 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi, Nghị định 50/2016/NĐ-CP đưa ra các mức phạt thấp và mang tính nhắc nhở là chính. Việc này tuân thủ nguyên tắc mà người dân, doanh nghiệp chờ đợi cũng như luật pháp đã quy định là với những gì thuộc về quyền tự do kinh doanh hay công việc nội bộ của doanh nghiệp thì nhà nước nhắc nhở để các đối tượng tuân thủ, chấp hành là chính, không đặt nặng vấn đề xử phạt.

So sánh với trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 không quy định việc đăng ký thay đổi riêng và thông báo thay đổi riêng, điều 26 Luật này chỉ nêu chung là: Khi thay đổi tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, mục tiêu và ngành, nghề kinh doanh, vốn điều lệ hoặc số cổ phần được quyền chào bán, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp, thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và các vấn đề khác trong nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi.

Để xử phạt hành vi nêu trên, Nghị định 155/2013/NĐ-CP cũng chỉ nêu hai tình huống xử phạt là: 1. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp không đúng thời hạn quy định; 2. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp sau 10 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi.

Rõ ràng, việc chỉ quy định có hai tình huống như vậy đã gây không ít khó khăn khi xử phạt vi phạm hành chính vì thời gian vi phạm có thể cách nhau rất xa, các vi phạm có thể mang lại các hậu quả xấu khác nhau nhưng mức xử phạt vẫn giống nhau và cùng một mức. Cải cách về mặt thực chất, nhiều điều khoản của Nghị định 50/2016/NĐ-CP đã có cách tiếp cận mới, hành vi nào gây ra hậu quả xấu hơn thì phải xử phạt nghiêm minh hơn và ngược lại, rõ ràng đây là một tiến bộ rất đáng kể.

Điểm nhấn quan trọng là quy định tại khoản 3 điều 28 Nghị định 50: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.

Điều này sẽ tháo gỡ được khó khăn đã tồn đọng từ rất lâu, đưa việc đăng ký vốn điều lệ sát với thực tế góp vốn, từ đó tăng tính rành mạch, chuẩn xác cho mọi đối tượng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như công tác thống kê, kế toán.

Nghị định 50/2016/NĐ-CP cũng có nhiều điểm mới hoàn toàn như khi doanh nghiệp thay đổi số lượng con dấu mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng; người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện thì bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng...

Siết chặt với vốn nhà nước

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc công khai, minh bạch mọi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 50/2016/NĐ-CP dành điều 27 nêu và xử lý các hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó xử phạt rất nặng (từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng) đối với các hành vi mà nhiều người cho rằng rất đơn giản như không định kỳ công bố thông tin hay không thực hiện công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt... Những việc này doanh nghiệp dân doanh không phải làm nhưng doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải thực hiện, để tăng tính giám sát của cả cộng đồng.

Ngay từ các chương đầu, Nghị định 50/2016/NĐ-CP đưa ra các chế tài rất mạnh để xử lý các các vi phạm trong sử dụng vốn đầu tư công như phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 đồng đồng đối với hành vi cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng hoặc vượt tiêu chuẩn, định mức đã được phê duyệt.

Những quy định trên đây mới chỉ là xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với đó, người đại diện theo ủy quyền phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, những người quản lý hay những người có liên quan đến đầu tư công, sử dụng, quản lý vốn nhà nước còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm người đứng đầu và nhiều trách nhiệm dân sự, thậm chí là hình sự.

Thông điệp rất rõ ràng từ phía Chính phủ là nhất định phải tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp dân doanh, đồng thời phải rất nghiêm túc với vốn nhà nước, trân trọng từng đồng thuế của dân, từ đó tạo ra một sân chơi chung, sòng phẳng để cùng phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh-Sở KHĐT Hải Dương, Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư

(Nguồn:http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Xu-phat-trong-dang-ky-doanh-nghiep-Nghi-dinh-50-co-gi-moi/255883.vgp)

 

 
Minh Hải Plaza Siêu thị nội thất Xuân Thỏ Công ty cổ phần VTC Group Công ty cổ phần thang máy Gia Huy Công ty cổ phần bất động sản THP Công ty TNHH MTV Đông Thành Đông Công ty cổ phần Việt Hương Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng 899 Công ty cổ phần sản xuất thương mại Xuyên Việt Công ty cổ phần Đức Việt 568 Công ty TNHH MTV âm nhạc Sao Mai Công ty TNHH MTV Thương mại - Vận tải Nhật Hà Công ty TNHH Tiến Trung Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế CNC Công ty cổ phần Hải Thành